Hỗ trợ bằng tiền mặt giúp điều hòa nguồn thu ngân sách

Trả lời các câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus cho biết, thực tiễn từ châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, ảnh hưởng của chính sách tài khóa là nhỏ, trong khi những khoản chi tiêu trong gia đình mới đóng góp lớn vào khôi phục ngân sách Nhà nước.

Chuyên gia Kinh tế Cao cấp của Tổ chức Liên Hiệp quốc tại Việt Nam Jonathan Pincus chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Từ góc độ cầu ở Mỹ và châu Âu cho thấy, các khoản hỗ trợ người lao động từ ngân sách địa phương và ngân sách của doanh nghiệp. Với khoản hỗ trợ này, người lao động vẫn có thể đóng tiền nhà và trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày khác. Chính sách giảm thuế thu nhập thường áp dụng trong các cuộc khủng hoảng không quá nghiêm trọng. Còn ích lợi của việc hỗ trợ bằng tiền mặt là giúp điều hòa nguồn thu ngân sách. Bởi vậy, Mỹ và châu Âu rất quan tâm tới chính sách này.

Về thị trường lao động, ông Jonathan Pincus cho rằng, việc hỗ trợ bằng tiền mặt không phải là nguyên nhân khiến người lao động rút khỏi thị trường. Các khoản hỗ trợ chỉ được chi trả khi có dịch. Khi hết dịch, các khoản hỗ trợ này bị cắt nên người lao động vẫn phải quay lại làm việc để có thu nhập.

Về nguyên nhân người lao động không quay trở lại làm việc, ông Jonathan Pincus cho rằng có thể là do sức khỏe của họ bị suy giảm sau đại dịch, vì thống kê cho thấy 10% người bị nhiễm Covid-19 có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hậu Covid-19, nhất là với người lớn tuổi, và cần nhiều thời gian để hồi phục. Ngoài ra, có thể do lao động di cư không trở lại nơi làm việc sau khi hết dịch; do công nghệ trí tuệ nhân tạo đã thay thế nhiều công việc mà con người trước đây đảm nhiệm và do nhiều nguyên nhân đặc thù ở mỗi quốc gia khác nhau...

PV lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/ho-tro-bang-tien-mat-giup-dieu-hoa-nguon-thu-ngan-sach-i301015/