Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có quyết định hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững.

Ưu tiên biên giới, hải đảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Phụng đã ký quyết định phân bổ gần 25 tỷ đồng vốn dự phòng cho đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp (bổ sung) từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM năm 2019.

Các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sẽ được hỗ trợ phát triển hạ tầng và giảm nghèo bền vững.

Theo đó, sẽ ưu tiên thực hiện đề án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Cụ thể, nguồn vốn trên sẽ hỗ trợ cho 24 ấp thuộc 4 xã, gồm 2 xã biên giới là Phú Lợi, Phú Mỹ (huyện Giang Thành) và 2 xã bãi ngang ven biển là Vân Khánh Đông (huyện An Minh) và Nam Thái A (huyện An Biên) để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng NTM.

Phấn đấu không còn xã nào dưới 5 tiêu chí, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tại các ấp thuộc các xã bãi ngang ven biển dưới 10 tiêu chí theo Quyết định 1385, ngày 21/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển hải đảo xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020.

Ông Nguyễn Văn Vững, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Kiên Giang cho biết, 2 xã khó khăn khu vực biên giới của huyện Giang Thành là Phú Lợi, Phú Mỹ được hỗ trợ gần 6,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này để xây dựng cơ sở hạ tang, như làm đường dân sinh, xây dựng cầu, cống, tại các ấp Kinh Mới, Trần Thệ, Trà Phô, Trà Phọt, Rạch Dứa (xã Phú Mỹ) và Rạch Gỗ, Tà Peng, Cả Ngay, Giồng Kè (xã Phú Lợi)…

Các xã khó khăn được hỗ trợ xây dựng cầu ngang sông và đường bê tông xi măng, tạo thuận lợi cho giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Xã khó khăn vùng bãi ngang là Nam Thái A (huyện An Biên) và Vân Khánh Đông (huyện An Minh) được hỗ trợ phát triển hạ tầng. Tổng cộng 13 ấp của 2 xã trên, gồm Ngọc Hiển, Mương Đào, Phong Lưu, Minh Giồng, Ngọc Thành, Minh Cơ, Xẻo Đôi, Xẻo Quao A, Bảy Biển, Thái Hòa, Xẻo Vet, Đồng Giữa và Xẻo Quao B được hỗ trợ xây dựng cầu ngang sông và đường bê tông xi măng, tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Ngoài xây dựng hạ tầng, còn tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các xã thuộc phạm vi kế hoạch, nâng cao nhận thức cộng đồng tại các ấp về xây dựng NTM gắn với chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, tuyên truyền dưới dạng hội nghị chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, các mô hình hiệu quả, các hoạt động tôn vinh các gương điển hình tiêu biểu các cấp.

Ban hành bộ quy ước mẫu cho các cấp làm căn cứ thực hiện, quy trình lập kế hoạch xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững tại các ấp có sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư phù hợp với kế hoạch xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Ban hành sổ hướng dẫn phương pháp quản lý cộng đồng trong xây dựng NTM, sổ tay hướng dẫn quy trình mẫu xử lý nước thải phân tán cụm dân cư góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cải tạo cảnh quan ở nông thôn.

Hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Theo ông Nguyễn Văn Vững, tỉnh Kiên Giang cũng đã quyết định hỗ trợ trên 8,1 tỷ đồng để phát triển các hợp tác xã đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, mua sắm thiết bị phục vụ mô hình sản xuất lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Cụ thể có 14 hợp tác xã ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, An Biên, Châu Thành được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cửa hàng vật tư nông nghiệp và trụ sở làm việc.

Các hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng hạ tầng, sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị lúa gạo, tăng thêm lợi nhuận cho xã viên.

Ông Nguyễn Văn Bấu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Châu Thành) phấn khởi cho biết: “Đợt này hợp tác xã được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng, phía đơn vị đối ứng thêm 25% nữa, để làm 1,7 km giao thông nội đồng trên tuyến đê bao khép kín diện tích sản xuất. Với tuyến giao thông này, sẽ thuận tiện cho việc đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất, vận chuyển vật tư cũng như chuyển nông sản về kho sấy, bảo quản. Nhờ đó, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị lúa gạo, tăng thêm lợi nhuận cho xã viên”.

Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang còn tổ chức 1 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã, với khoảng 40 học viên là lãnh đạo, học trong 7 ngày, gồm 2 ngày học lý thuyết, 4 ngày đi thực tế và 1 ngày gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Tổ chức các lớp đào tạo nghề lao động ở các ấp gắn với mô hình sản xuất theo chuỗi, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có. Hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu phù hợp định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ưu tiên hỗ trợ các hộ có điều kiện, có năng lực phát triển sản xuất về lãi suất vay vốn, mua vật tư, hỗ trợ tham quan, tập huấn, đào tạo nghề… để phát triển sản phẩm đặc trưng, làm cơ sở để nhân rộng.

Với những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua và sự hỗ trợ đầu tư phát triển tiếp theo, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 3-4%/năm. Thu nhập người dân tăng ít nhất từ 1,6 - 1,8 lần so với năm 2015, 100% ấp có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mô hình Mỗi xã một sản phẩm. Cơ bản hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu cấp ấp phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như điện, nước sinh hoạt và hạ tầng phục vụ sản xuất…

Nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường nông thôn

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, đơn vị đang thực hiện đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020, tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng.

Theo đó, sẽ xây dựng mô hình cấp nước uống cho trường học và trạm y tế tại các xã đảo.

Cụ thể, sẽ lắp đặt 6 hệ thống lọc nước uống tinh khiết loại 1.000 lít/ngày đêm, được nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc tại 4 điểm trường và 2 trạm y tế cho thành phố Hà Tiên và huyện đảo Kiên Hải.

PHÚC NGHI

Đ.T.CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ho-tro-cac-xa-dac-biet-kho-khan-xay-dung-nong-thon-moi-post251725.html