Hỗ trợ chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP

Việc phát triển sản phẩm có thế mạnh ở địa phương gắn với thực hiện Chương trình OCOP, nâng cao giá trị đang là con đường giúp người dân gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP 'đi xa' đòi hỏi các chủ thể không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đầu tư chế biến sâu, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Sản phẩm rượu An Tâm được ngâm từ củ sâm báo (Vĩnh Lộc) trưng bày, bán tại Hội nghị kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm an toàn năm 2022.

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, từ chỗ chỉ có 13 sản phẩm đủ điều kiện được UBND tỉnh quyết định gắn sao. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 30 sản phẩm đang chờ quyết định công nhận của UBND tỉnh. Bức tranh OCOP tỉnh Thanh Hóa không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm cũng được chú trọng đầu tư nâng cao. Hằng năm, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình XDNTM, các địa phương đã đầu tư những dự án phát triển sản xuất nhằm thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân mạnh dạn đăng ký tham gia, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy các hình thức liên kết tổ chức sản xuất, đáp ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến những sản phẩm OCOP của địa phương.

Cùng với sự hỗ trợ từ tỉnh, huyện, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh cũng đã mạnh dạn đầu tư thiết bị sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm. Tiêu biểu như Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống), dù mới thành lập được hơn 5 năm nhưng đã sở hữu 2 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm dứa đóng hộp Trường Tùng và dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng. Sự thành công của 2 sản phẩm đã khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội của nông sản khi được đầu tư chế biến sâu. Đồng thời, mở ra những cơ hội, triển vọng mới đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh. Ông Lê Trường Tùng, giám đốc công ty, cho biết: Vốn là cơ sở thu mua, chế biến các sản phẩm nông sản; trong đó, dứa, dưa bao tử là một trong những sản phẩm thế mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi đưa ra thị trường những sản phẩm đã được chọn lọc nhưng vẫn ở dạng thô, thời gian bảo quản không dài, giá trị kinh tế không cao. Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn phát triển được các sản phẩm chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới xuất khẩu. Do vậy, sau khi thành lập, công ty mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại, xây dựng nhà xưởng, vùng nguyên liệu... bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo ra những sản phẩm đóng hộp chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và đủ điều kiện xuất khẩu vào một số thị trường khó tính. Nhờ đó, các sản phẩm dứa, dưa bao tử đã có hiệu quả kinh tế cao gấp hàng trăm lần so với tiêu thụ thô. Được biết, khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP với bộ tiêu chí khắt khe, yêu cầu cao, công ty đã triển khai phát triển sản xuất theo chu trình OCOP, nhờ đó, 2 sản phẩm dứa đóng hộp Trường Tùng và dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng đã được công nhận 4 sao năm 2022.

Từ lâu việc trồng và sơ chế các sản phẩm dược liệu tốt cho sức khỏe đã được nhiều đơn vị doanh nghiệp hướng đến nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm. Anh Hoàng Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thảo Mộc, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), cho biết: Cây cà gai leo - một vị thuốc nam quý được y học cổ truyền ghi nhận. Do đó, để có nguyên liệu sản xuất, ngay từ năm 2018, công ty đã liên kết với một số hộ dân trên địa bàn tại các xã Thạch Sơn (Thạch Thành) và Đông Hoàng (Đông Sơn) trồng hơn 40 ha cà gai leo, kim ngân, rau má, thìa canh... Đồng thời, ký kết hợp đồng với các hộ dân chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc dược liệu bằng phương pháp hữu cơ nhằm tạo ra nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. Từ nguyên liệu thô, công ty cũng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc để sơ chế, chế biến các nguyên liệu dược liệu thô thành 10 dòng sản phẩm, như: trà túi lọc cà gai leo, trà hoàn ngọc, trà mật gấu dây thìa canh... Trong đó, sản phẩm trà hoàng thảo mộc và trà cà gai leo túi lọc của công ty đã được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP năm 2020 và đang phân phối tại 90 siêu thị trong cả nước, với sản lượng thành phẩm bình quân từ 80 - 100 tấn/năm.

Tương tự, với câu chuyện cây sâm Báo, vốn là cây bản địa trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã được nhiều đơn vị đầu tư, chế biến sâu để phát triển thành sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, ngoài sản phẩm rượu An Tâm được ngâm từ củ sâm báo tươi, thì đã có một số sản phẩm như siro bổ dưỡng sâm báo Triso, viên nang sâm báo Triso của Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn cũng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo chia sẻ của anh Thiều Đình Hùng, Giám đốc Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn, vốn có đam mê với các loại cây dược liệu lại được nghe nhiều về cây sâm báo nổi tiếng. Song, những năm gần đây, khi người dân mở rộng diện tích sản xuất thì áp lực tiêu thụ trong thời điểm chính vụ là rất lớn. Do đó, công ty đã đẩy mạnh nghiên cứu những sản phẩm tinh chế, chiết xuất từ cây sâm báo để vừa bảo đảm giá trị dược liệu, vừa mang hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất lại không còn áp lực lớn trong bảo quản, tiêu thụ. Khi được thông qua chế biến sâu, sản phẩm có nguồn gốc từ cây sâm báo đã có giá trị kinh tế cao gấp hàng trăm lần sản phẩm thô. Được biết, với ý tưởng chế biến sâu sản phẩm từ cây sâm báo, hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số đơn vị thực hiện sấy dẻo, nấu cao sâm báo và dự định sản xuất kẹo sâm báo, trà sâm báo...

Tại nhiều hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, các thành viên hội đồng đã nêu rõ quan điểm, đối với nhóm sản phẩm nông sản, hội đồng sẽ tập trung đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Đó cũng là cách để thúc đẩy các doanh nghiệp liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững, nâng cao giá trị kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và thu nhập của Nhân dân.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/ho-tro-che-bien-sau-nham-nang-cao-gia-tri-cac-san-pham-ocop/177459.htm