Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Trong số 12 chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thì có đến 3 chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Ngày 01/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Mục tiêu của Nghị quyết tập trung vào hỗ trợ 2 đối tượng: người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Như Ý.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, trong số 12 chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thì có đến 3 chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực GDNN, cụ thể: Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

“Tại Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo và đang xin ý kiến của các bên liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định” – ông Trương Anh Dũng thông tin. Đồng thời cho biết, khi Quyết định của Thủ tướng ban hành thì công tác triển khai chính sách hỗ trợ theo tinh thần đề ra là tinh giản tối đa các điều kiện, thủ để các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách.

“Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách” - ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Đơn giản hóa điều kiện được hỗ trợ

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động cụ thể như sau: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.”

Như vậy, so với quy định của Luật Việc làm và Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, mức hỗ trợ được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu, các điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động trong việc đào tạo duy trì việc làm cho người lao động đã được đơn giản hóa hơn, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và quy định việc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để xây dựng phương án tổ chức đào tạo.

Dự thảo nội dung quy định về điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động quy định: Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ trong thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; Có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học.

Trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả. Thời gian hỗ trợ tối đa 06 tháng.

Để chủ động nên kế hoạch triển khai các chính sách hỗ trợ, Tổng cục GDNN đề nghị các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố căn cứ nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP phổ biến, quán triệt tới các đơn vị chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ Việc làm để triển khai; Phổ biến, thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Đồng thời chỉ đạo tăng cường việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ sở GDNN xây dựng phương án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động nhằm:Tránh việc lợi dụng chính sách; đào tạo không đúng kế hoạch, không đảm bảo chất lượng; Đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng, người học sau khi đào tạo được cấp chứng chỉ đào tạo, do cơ sở GDNN cấp

Đối với các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần chủ động, tăng cường liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; Tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đúng yêu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động; gắn việc đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động.

Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhận định: Đây là cơ hội để các cơ GDNN khẳng định thương hiệu, uy tín trong việc đào tạo kỹ năng nghề để lao động thích ứng với việc thị trường lao động đang có sự thay đổi lớn vì dịch COVID-19. Đồng thời, đây cũng là hướng đi mới để trường nghề chủ động liên với các doanh nghiệp trong việc đào tạo lại nghề nhằm tái cơ cấu sản xuất, thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)./.

Nhật Hiếu

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phong-chong-dich-covid-19/ho-tro-dao-tao-nghe-cho-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-boi-dich-covid-19-584783.html