Hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng qua công nghệ kinh doanh trực tuyến

Lần đầu tiên, Hiệp hội Thương mại điện tử TP Hồ Chí Minh (VECOM) phối hợp với sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) nhỏ, vừa và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh các sản phẩm liên quan tới dừa ở tỉnh Bến Tre được tiếp cận và mở rộng hoạt động kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

Dự kiến, ngày 25-4 sẽ là “Ngày của làng dừa Bến Tre” trên sàn TMĐT Lazada, mục tiêu đến cuối năm sẽ có đến 90% các đơn vị kinh doanh dừa của tỉnh Bến Tre khai thác hiệu quả kênh bán hàng online.

Từ đó, mô hình này được nhân rộng ra các địa phương khác với các loại nông sản chủ lực như: Ngày của Thổ cẩm Hà Giang; Ngày của Tre luồng Thanh Hóa; Ngày của Sen hồng Đồng Tháp;...

Sản phẩm làm từ dừa Bến Tre được nhiều khách hàng dùng thử.

Sản phẩm làm từ dừa Bến Tre được nhiều khách hàng dùng thử.

Hiện, dừa đã được xác định là 1 trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre. Toàn tỉnh hiện đang có khoảng 72.000 hécta trồng dừa, (trong đó có 2.500 hécta dừa hữu cơ), cung cấp hơn 800 triệu trái/năm.

Ngoài cung cấp thị trường trong nước, dừa Bến Tre còn xuất khẩu đến 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2018 đạt hơn 215 triệu USD. Mặc dù xuất khẩu số lượng lớn, nhưng phần lớn DN xuất khẩu trực tiếp, còn mảng online gần như chưa được DN khai thác nhiều, mặc dù hiện nay tốc độ phát triển TMĐT là xu hướng chung của toàn cầu.

Trước thực tế đó, VECOM đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát động chương trình đưa TMĐT về nông thôn và được nhiều địa phương nhiệt tình ủng hộ. Để triển khai chương trình “Ngày của làng dừa”, tỉnh Bến Tre đã phối hợp và làm việc với sàn TMĐT Lazada để cung cấp danh sách các DN tiềm năng và cùng Lazada tiến hành khảo sát, dự kiến đưa lên sàn khoảng 15-20 DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tiêu biểu của ngành để quảng bá rộng khắp và bán hàng trên kênh TMĐT Lazada.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch VECOM cho biết: “Phía Vecom đảm nhiệm vai trò hỗ trợ truyền thông và tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn về TMĐT cho các DN, hộ gia đình kinh doanh sản phẩm dừa ở Bến Tre cũng như các đặc sản khác của Việt Nam. Dần sẽ hướng đến phát triển ra các thị trường nước ngoài qua sàn Alibaba, Amazon.com…”.

Với các chính sách hỗ trợ cho DN nông thôn, giai đoạn đầu, Lazada miễn phí mở gian hàng, miễn phí hoa hồng trọn đời; miễn phí các chương trình đào tạo bán hàng online...

Ngoài các sàn TMĐT quốc tế, mới đây, Chi nhánh VCCI tại TP Hồ Chí Minh cũng đã giới thiệu “nền tảng phân phối đa nhiệm - BB Link”, vừa là cầu nối cho DN xuất khẩu, vừa hỗ trợ cho các DN sản xuất trong nước đưa hàng lấp đầy vào thị phần đang còn trống ở thị trường trong nước bằng công nghệ hiện đại.

Ông Võ Tấn Thành – Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI TP Hồ Chí Minh nhận định: Tốc độ sử dụng Internet ở Việt Nam tăng mạnh với 66 triệu người, tạo điều kiện cho TMĐT phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, do khâu logistic còn nhiều bất cập nên đây là một trong những lý do khiến TMĐT chưa phát triển mạnh. Theo báo cáo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2018 là 143,3 tỷ USD.

Các kênh bán lẻ hiện đại như website, TMĐT, sàn giao dịch hàng hóa... chỉ mới chiếm gần 25%, trong khi các kênh bán lẻ truyền thống chiếm đến 75% với 9.000 chợ truyền thống và hơn 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa. Trong khi đó, việc phân phối sản phẩm dịch vụ của các nhà sản xuất, nhà phân phối vào kênh bán lẻ truyền thống này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

“Trước thực trạng đó, VCCI đã ký kết và ra mắt nền tảng phân phối đa nhiệm BB Link nhằm giải quyết những khó khăn trên. BB Link cung cấp giải pháp toàn diện cho việc phân phối hàng hóa thông qua kênh bán lẻ truyền thống đưa đến tận tay NTD và hỗ trợ tốt nhất việc quảng bá các dịch vụ.

Bên cạnh đó, nền tảng này cũng cung cấp giải pháp tổng thể về logistic, thanh toán, thu hộ..., cũng như nhiều giải pháp về marketing và khảo sát thị trường, đến trực tiếp, đúng mục tiêu vào các điểm bán lẻ hoặc NTD”, ông Võ Tấn Thành khẳng định.

Theo đó, mục tiêu đến cuối năm 2019, BB Link sẽ hỗ trợ 900.000 điểm bán trong nước để trở thành kênh tiếp xúc và bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến NTD, đồng thời còn hỗ trợ DN bán hàng tại nhiều quốc gia có hệ thống phân phối phát triển của BB Link.

Theo đại diện của VECOM, năm 2019 là năm bản lề của các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các hiệp định giao thương được ký kết và sự trưởng thành của công nghệ hỗ trợ kinh doanh trực tuyến. Đây là cơ hội lớn cho các DN tiến lên bước mở rộng quy mô, tiếp cận khách hàng cả nước, hoặc khách hàng toàn cầu.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-nghe/ho-tro-doanh-nghiep-ban-hang-qua-cong-nghe-kinh-doanh-truc-tuyen-541044/