Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng sức cạnh tranh hàng hóa

Vốn không có lợi thế về vốn, tiềm lực sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cần sự hỗ trợ lớn để có thể nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Luôn đau đáu việc làm sao để giành thị trường cho hàng Việt, năm 2015, Tập đoàn Hòa Bình đưa ra một quyết định táo bạo đó là dành diện tích 25.000m2 tại tòa nhà Hòa Bình Green City tại 505 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm Trung tâm thương mại và siêu thị (Trung tâm V+) cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng và miễn phí hoàn toàn tiền thuê mặt bằng. Tiếp ngay sau đó, năm 2018, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tiếp tục dành 1.000m2 mặt bằng cho trung tâm điện máy Pico, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp Việt chiếm lại thị phần.

Ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ, trên thế giới ai làm chủ hệ thống thương mại sẽ điều tiết được sản xuất. Việc miễn phí tiền thuê mặt bằng này giúp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có nơi trưng bày và tiêu thụ các sản phẩm của mình sản xuất.

Tập đoàn Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp đã nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm lĩnh thị trường. TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam chia sẻ, sự hỗ trợ này rất quan trọng đối với các DNNVV Việt Nam, vốn nhiều hạn chế về vốn.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao sức cạnh tranh

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao sức cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Thân cho hay, hơn 10 năm qua, CVĐ đã giúp doanh nghiệp Việt Nam chinh phục người Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu thị trường quốc tế. Với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất kinh doanh đã phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, đi đầu trong thực hiện CVĐ và đã có những đóng góp quan trọng, nâng tầm và dần khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam. Nhiều thương hiệu Việt Nam không chỉ chinh phục thành công thị trường nội địa mà còn vươn xa, khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường nước ngoài, trở thành niềm tự hào Việt Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chiếm trên 96% là DNNVV), gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mức thuế cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh cao do giá bất động sản cao. Đó chính là khó khăn, trở ngại lớn làm hạn chế kết quả thực hiện CVĐ thời gian qua.

Dưới góc độ Hiệp hội, Hiệp hội DNNVV đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như kết nối doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, đầu mối kiến nghị các giải pháp đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền…

Tại các địa phương, Hiệp hội DNNVV Hà Nội (Hanoisme) cũng tổ chức nhiều hoạt động tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp. Năm 2020, Hanoisme đang tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật cho DN. Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, thị trường, thuế, hải quan, thủ tục hành chính... Đồng thời phối hợp với các sở, ngành chỉ đạo DN tham gia các hoạt động kích cầu tiêu dùng, ổn định giá cả trên thị trường... Phối hợp với Sở Công Thương triển khai các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; chương trình hội nhập kinh tế quốc tế; sản phẩm công nghiệp chủ lực; công nghiệp hỗ trợ; chương trình khuyến công; chương trình Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích với các DN trên địa bàn. Phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất, giao thương với các DN Việt Nam và DN FDI trong các khu công nghiệp nhằm trao đổi nâng cao năng lực cho DN và xúc tiến thương mại.

Do đó, Hiệp hội DNNVV đề xuất giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước tập trung rà soát, ban hành, bổ sung các cơ chế, bãi bỏ thủ tục hành chính còn chồng chéo, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh hàng hóa nội địa nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội địa nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa và tiêu dùng. Xây dựng những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn; sản xuất hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu hàng hóa, dịch vụ Việt Nam… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi CVĐ.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hanoisme kiến nghị thêm, trong thời gian tới, TP Hà Nội cần có các chương trình cho vay vốn hiệu quả đối với DN nhỏ, thực hiện những hình thức cho vay mới cùng các giải pháp đột phá trợ giúp DN trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho DN nhỏ và vừa. Tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội DN, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho DN nhỏ và vừa ở thị trường trong nước, định hướng xuất khẩu; mở rộng các cụm công nghiệp tại một số huyện như Hoài Đức, Thường Tín… Sở Công Thương Hà Nội và các cơ quan chức năng cần bám sát, cập nhật, đưa ra các thông tin dự báo thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, qua đó góp phần hỗ trợ DN định hướng sản xuất phù hợp.

Theo các chuyên gia, song song với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, có chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-tang-suc-canh-tranh-hang-hoa-140759.html