HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHẢI ĐỀ CAO TÍNH HIỆU QUẢ

Ngày 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Mặc dù ở kỳ họp trước, Quốc hội cũng đã thảo luận về dự án luật này, nhưng hôm qua khi thảo luận tại hội trường ý kiến của đại biểu đóng góp rất sôi nổi, trong đó còn không ít băn khoăn, chứng tỏ đây là một dự án luật rất được quan tâm.

DNNVV chiếm hơn 97% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Vì thế, việc Quốc hội bàn thảo để cho ra đời luật nhằm hỗ trợ DNNVV chính là một bước cụ thể hóa, luật hóa chủ trương của Đảng trong việc đẩy mạnh phát huy các tiềm năng của kinh tế tư nhân. Đó cũng nhằm kiến tạo môi trường thật thuận lợi để tận dụng hết các tiềm năng, các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế đất nước. Việc hỗ trợ DNNVV đã được Đảng và Nhà nước thực hiện trong những năm qua. Tuy nhiên, nó được phân tách vào nhiều luật, nhiều nghị định, mà như thế sẽ không có tính hệ thống, tính xuyên suốt của chính sách và sẽ giảm hiệu quả. Do vậy, việc có luật trên là cần thiết.

Ảnh minh họa.

Có mấy vấn đề đặt ra trong việc xây dựng luật trên cần được lưu tâm, đó là: Thứ nhất, việc hỗ trợ DNNVV có theo nguyên tắc cào bằng hay không? Có phải cứ DNNVV bảo đảm quy mô theo tiêu chí là được hỗ trợ hay không? Nếu không cào bằng, mà hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, theo những lĩnh vực ưu tiên thì có bị coi là phân biệt đối xử hay không? Thứ hai, theo lẽ thường tình, cứ đối tượng nào được hỗ trợ thì chứng tỏ đó là đối tượng yếu thế. Và chúng ta đã chứng kiến không ít câu chuyện những đối tượng được hỗ trợ sinh ra ỷ lại, không muốn phát triển, hoặc là bằng mọi cách chứng minh mình chưa phát triển để tiếp tục hưởng ưu đãi. Không ít đại biểu Quốc hội cũng lo ngại rằng, có thể sẽ có những doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi. Vì thế, các đối tượng DNNVV khi được hưởng hỗ trợ, liệu có nên kèm theo ràng buộc nào không? Thứ ba, kinh tế thị trường là một nền kinh tế theo đuổi tính hiệu quả. Bất cứ một ý muốn thiếu thực tế nào, không theo các nguyên tắc khách quan của thị trường, chắc chắn cũng sẽ không thành công. Trong thời gian qua, chúng ta đã tạo ra không ít các chính sách để hỗ trợ cho DNNVV, nhưng không mấy chính sách mang lại hiệu quả cao một cách bền vững. Ví dụ như khuyến khích ngân hàng cho DNNVV vay vốn; khuyến khích địa phương giao đất; rồi một số quỹ hỗ trợ DNNVV được lập ra (Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, Quỹ phát triển DNNVV)... Tuy nhiên, DNNVV vẫn kêu khó khăn: Khó vay vốn vì ngân hàng vẫn lo ngại về độ an toàn của khoản cho vay; khó được bảo lãnh vì không có tài sản thế chấp đạt yêu cầu; khó tiếp cận được đất đai... Phải chăng đó là do lợi ích các bên theo nguyên tắc thị trường khi hình thành các chính sách hỗ trợ nêu trên vẫn chưa được bảo đảm?

Có một nguyên tắc trong kinh tế thị trường, đó là nhà đầu tư chỉ bỏ tiền nếu như cảm thấy khoản đầu tư của mình sẽ sinh lợi. Trong chính sách kinh tế vĩ mô của một quốc gia, khi kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp thì ngoài yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tạo ra các khoản thu cho nhà nước, thì còn các yếu tố khác như tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ và sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền... Nhà nước không thể có đủ tiền để đầu tư, hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp. Mà kể cả có đủ tiền thì việc hỗ trợ cào bằng sẽ gây hại nhiều hơn là tạo ra hiệu quả. Bởi sẽ có những doanh nghiệp không đáng hỗ trợ cũng nhận được hỗ trợ, ví dụ như doanh nghiệp có năng lực quá kém, công nghệ cũ gây hại môi trường, kinh doanh chụp giật thiếu bền vững...

Vì thế, trong các chính sách hỗ trợ, nhà nước nên bóc tách rõ sự tồn tại của doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ là nhằm mục đích gì? Chỉ nên hỗ trợ những doanh nghiệp mang lại lợi ích cho quốc gia, những doanh nghiệp giàu ý tưởng sáng tạo, đầy tiềm năng phát triển, các doanh nghiệp mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng. Và phải chấp nhận rằng, nền kinh tế thị trường là nền kinh tế đào thải để tạo ra sự hiệu quả hơn, sự sáng tạo hơn. Do vậy, không nên coi chuyện doanh nghiệp bị đào thải là thảm họa, mà sau khi một doanh nghiệp yếu kém, thiếu ý tưởng bị đào thải, lại có thêm các doanh nghiệp mới, các ý tưởng kinh doanh mới ra đời và lực lượng lao động cũng liên tục dịch chuyển.

Cách hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là Nhà nước bảo đảm sự minh bạch, ổn định về chính sách để từ đó doanh nghiệp có thể dự báo được, có thể tính toán được lỗ lãi từ đồng vốn bỏ ra. Cách hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là phải loại bỏ hiện tượng quản lý cửa quyền, lợi ích nhóm ở một số địa phương, một số bộ ngành, để mọi người đều có quyền kinh doanh, có cơ hội kinh doanh thành công, không phải chịu những rủi ro từ “trên trời” rơi xuống.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ho-tro-doanh-nghiep-phai-de-cao-tinh-hieu-qua-508152