Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn 'nóng trên, lạnh dưới'

Để chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ 2 trong nhiệm kỳ này giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, sáng 9-2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành liên quan.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình triển khai Nghị quyết 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tóm lại bằng một ý “nóng trên, lạnh dưới” và cho đây là thách thức lớn nhất hiện nay. Theo ông Lộc, sau khi Nghị quyết được ban hành thì nhiều địa phương, bộ, ngành đã có chương trình hành động, tạo chuyển biến rất tích cực, nhưng cũng có những nơi rất nguội lạnh.

“Tinh thần hừng hực trong Chính phủ, bộ, ngành; nhưng xuống địa phương thì còn lạnh lẽo lắm. Tinh thần cải cách chưa chuyển xuống cấp cơ sở, cấp cán bộ công chức hàng ngày làm việc với người dân và doanh nghiệp” – ông Lộc nhận định.

Bên cạnh đó, đa số nhiệm vụ của Nghị quyết không nêu rõ chế tài cụ thể, một số tỉnh không giao rõ cho đơn vị trực thuộc thực hiện. Việc chưa đề cao giám sát của đoàn thể xã hội, hiệp hội doanh nghiệp cũng khiến Nghị quyết chưa phát huy được tác dụng.

“Nghị quyết 35 là rất tốt, tạo nên sự thay đổi rất lớn, lay động tư duy quan niệm về vai trò của doanh nghiệp. Thay đổi này sẽ đặt nền móng cho các sự thay đổi khác. Nhưng lạnh dưới thì là thách thức lớn nhất (trong việc tạo ra thay đổi)” – ông Lộc bày tỏ lo ngại.

Gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh không chỉ đánh giá tác động về số lượng (như lượng DN đăng ký mới có tăng không), mà phải đánh giá về chất lượng: Lợi nhuận DN tạo ra hàng năm, thu nhập của người lao động để đánh giá “sức khỏe” của DN. “Năm 2017 là năm chúng ta bình tĩnh đánh giá hiệu quả, ta phải coi trọng chất lượng, thà ít mà chất”.

Chính phủ khẳng định quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu góp ý trong việc phải làm cụ thể những việc gì để rõ kết quả này; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi, chi phí thấp, ít rủi ro pháp lý. Đây mới là nguyện vọng của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tìm ra nút thắt để khơi thông 5 loại thị trường là rất quan trọng: vốn, hàng hóa- dịch vụ (bao gồm trong nước và xuất khẩu, biên mậu), bất động sản, khoa học công nghệ, lao động. Nếu không khơi thông được 5 loại thị trường này thì DN có ra đời cũng khó phát triển. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngoài kết quả chung của cả nước thì phải họp báo công bố rõ kết quả của từng địa phương, bộ, ngành; tránh chuyện thành tích là của mình, còn DN giải thể, phá sản là ở chỗ khác.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình trạng các loại hình DN ở Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh cho biết, DN Nhà nước nào tái cơ cấu thực chất thì sau 2 năm có kết quả ngay, còn làm đối phó thì kể cả khi chuyển sang cổ phần rồi vẫn hoạt động èo uột.

DN có vốn Nhà nước chi phối thì không vấn đề gì, còn nếu không có vốn Nhà nước chi phối và có sự tham gia của nước ngoài thì phát sinh vấn đề. Đôi lúc DN lợi dụng nhiệm vụ chính trị nên báo lỗ, doanh thu, lợi nhuận kém... Do đó phải tách bạch rõ ràng, không thể vin vào cớ này để giải thích chuyện DN làm ăn kém.

Nhìn về phía chính quyền, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng các bộ, ngành và địa phương phải ban hành, quản lý các thủ tục hành chính theo hướng cung cấp dịch vụ công, chứ không phải cắt giảm thủ tục hành chính thì gọi là hỗ trợ DN.

“Còn lẫn lộn thì DN còn bị phiền hà. Xu hướng bây giờ là giảm hỗ trợ để tạo sự bình đẳng, càng hỗ trợ càng mất bình đẳng”. Một số ý kiến cho rằng chính quyền chưa giảm được số lượng các lần thanh, kiểm tra DN trong năm. “Giảm sự nhũng nhiễu DN, giảm sự kiểm tra của DN trong 1 năm sẽ tạo sự khác biệt lớn. Nếu không thì vẫn còn gay go”, ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN &PTNT bày tỏ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tinh thần thực hiện phát triển DN không phải là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng DN.

Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay tới khi tổ chức hội nghị, các địa phương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức đối thoại với cộng đồng DN, xử lý các kiến nghị của DN ở từng cấp, tránh để dồn tất cả các kiến nghị lên Thủ tướng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá sâu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, kết quả tạo thuận lợi thương mại và thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bộ KH&ĐT được giao báo cáo về chỉ số phát triển DN và công bố công khai bộ chỉ số này cho năm 2017. Bộ GTVT được giao tiếp tục nghiên cứu việc giảm phí BOT.

Vũ Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/ho-tro-doanh-nghiep-van-con-nong-tren-lanh-duoi-427822/