Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Huyện Phú Lương có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ cho đồng bào các DTTS để giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Lý Văn Thành được hỗ trợ 1.000 cây na giống từ nguồn vốn của Đề án 2037 để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. và

Gia đình anh Lý Văn Thành được hỗ trợ 1.000 cây na giống từ nguồn vốn của Đề án 2037 để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. và

Phú Thọ là một trong những xóm khó khăn nhất trên địa bàn xã Phú Đô. Xóm có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tới 90%. Với địa hình chủ yếu là núi đá, trước đây, người dân trong xóm rất lúng túng trong việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương nên đời sống vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự định hướng của chính quyền các cấp, người dân trong xóm đã tập trung phát triển cây chè theo quy hoạch phát triển vùng chè trọng điểm phía Đông của huyện Phú Lương. Hiện, 100% hộ dân trong xóm đều phát triển sản xuất và chế biến chè.

Anh Lý Văn Thành, xóm Phú Thọ chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng và trồng vài sào chè trung du để có thu nhập. Tuy nhiên do đất đai cằn cỗi và không chú trọng chăm sóc nên hiệu quả không cao, đời sống khó khăn với thu nhập trung bình chỉ 8 triệu đồng/người/ năm. Từ năm 2016, được sự định hướng của cán bộ xã, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo đất trồng lúa và diện tích chè trung du sang trồng chè cành. Hằng năm, tôi cũng được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, sản xuất chè và hỗ trợ phân bón từ nguồn vốn của Chương trình 135. Nhờ chú trọng chăm sóc mà giờ đây, sản lượng và chất lượng chè của gia đình tôi đã tăng lên. Trung bình mỗi năm, tôi thu được 5 lứa chè, mỗi lứa được 20kg chè búp khô, bán được 80 đến 100 nghìn đồng/kg (tăng 30 nghìn đồng so với trước). Không chỉ có vậy, nhờ hệ thống đường giao thông trục xóm được bê tông hóa từ nguồn hỗ trợ của Đề án 2037, (Đề án Phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên), giờ đây, thương lái đã đến tận nơi thu mua, chúng tôi không phải vất vả mang ra chợ bán như trước nữa. Hiện, ngoài chè, gia đình tôi còn đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, trồng na dai, chăn nuôi trâu bò. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người/ năm (tăng 8 triệu đồng so với 2016). Nhờ vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo vào năm 2018.

Không chỉ gia đình anh Lý Văn Thành, các hộ đồng bào DTTS khác trên địa bàn huyện cũng đã có cơ hội được tiếp cận các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước để tự lực vươn lên thoát nghèo. Một trong những chương trình hỗ trợ đạt hiệu quả cao đó là Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, tổng kinh phí triển khai thực hiện Chương trình là gần 40 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, huyện đã đầu tư xây dựng 91 công trình cơ sở hạ tầng; duy tu bảo dưỡng 22 công trình. Ngoài ra, huyện cũng sử dụng nguồn vốn này để phân bổ hỗ trợ mua máy móc nông nghiệp; giống cây trồng; vật nuôi; hỗ trợ nhân rộng các mô hình giảm nghèo; thiết bị đóng gói sản phẩm trà, dược liệu... cho trên 5,4 nghìn lượt hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng.

Ông Ma Văn Tý, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Yên Trạch có tới 92% dân số là đồng bào DTTS, vì thế, chúng tôi rất quan tâm tới các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho bà con. Dựa trên tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương, từ năm 2017 đến 2019, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và khuyến nông, chúng tôi đã phân bổ hơn 948 triệu đồng để hỗ trợ giống đại gia súc cho 104 hộ dân... Bằng các chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao, hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 15,01%, bình quân mỗi năm giảm 4,81%.

Ngoài Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện cũng đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chương trình, đề án khác tới các xã khó khăn, có đồng bào DTTS sinh sống. Có thể kể đến như: Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định số 755/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Thông qua việc thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách trên, những năm qua, cùng với sự phát triển chung của huyện, các xã vùng đồng bào DTTS đã có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể. Hiện nay, kết cấu hạ tầng ở vùng DTTS đã thay đổi rõ rệt, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã và có trạm y tế đạt chuẩn; 100% hộ dân có điện lưới và được phủ sóng truyền hình quốc gia; 96,33% dân số sống ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; có 2 xã ra khỏi diện hưởng hỗ trợ của Chương trình 135…

Phan Trang

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-phat-trien-kinh-te-269857-205.html