Hỗ trợ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng phát triển lành mạnh

Thông tư 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính đã có những quy định mới chặt chẽ hơn trong việc quả lý hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc này có thể khiến các ngân hàng và công ty bảo hiểm giảm doanh thu trong ngắn hạn. Nhưng đó là yếu tố lành mạnh, vì là doanh thu thật, qua đó tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, hiệu quả hơn.

Các nhân viên bảo hiểm và nhân viên ngân hàng phải giải thích cho khách hàng hiểu rõ quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm. Ảnh: TL

TS. Nguyễn Trí Hiếu

PV: Thông tư 67 đã đưa ra một số quy định theo hướng có sự kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Quan điểm của ông nhìn nhận việc này như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thực tế diễn biến thời gian qua ở Việt Nam cho thấy có nhiều vấn đề bất cập trong việc liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm trong bán bảo hiểm. Thứ nhất là, các công ty bảo hiểm không có đào tạo bài bản cho nhân viên ngân hàng để bán bảo hiểm hộ cho họ.

Về phía ngân hàng, họ cũng không để cán bộ nhận thức đầy đủ về việc bán bảo hiểm. Trong khi đó, khách hàng cũng không hiểu về sản phẩm mình mua một cách đầy đủ dẫn đến có những kỳ vọng không thực tế.

Những lý do trên đã dẫn đến thực tế là có nhiều tình huống phát sinh gây thiệt hại cho khách hàng, từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn giữa 3 nhóm đối tượng là khách hàng, ngân hàng và công ty bảo hiểm. Đó là vấn đề đến từ lý do bắt nguồn từ cả 3 phía và vì vậy việc phải có các quy định rõ ràng hơn để tạo cho thị trường minh chuẩn chỉnh hơn, minh bạch hơn là cần thiết.

PV: Một trong những nội dung mới trong Thông tư 67 là quá trình tư vấn cần phải được ghi âm, hoặc có những yêu cầu về tài liệu liên quan… Theo ông, việc có những quy định như vậy có cần thiết không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc ghi âm các cuộc nói chuyện giữa các bên trong quá trình tư vấn bán bảo hiểm cũng là điều bình thường. Trong giao dịch kinh tế dân sự, các bên cũng có thể nên ghi âm quá trình đàm phán để làm bằng chứng về sau.

Hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP

Thông tư 67 là văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Đối tượng được chi phối bởi Nghị định số 46 gồm doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh, bên mua bảo hiểm và người thụ hưởng, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Về các vấn đề liên quan đến hồ sơ, tài liệu, hợp đồng…, theo quan sát của tôi, các hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư có nội dung và được trình bày quá phức tạp. Theo đó, các công ty bảo hiểm phải soạn thảo các hợp đồng sao cho đơn giản dễ hiểu hơn và không nên quá dài. Trường hợp nếu hợp đồng quá dài thì phải nên có phụ lục tóm tắt các điều chính yếu trong hợp đồng đó.

Các nhân viên bảo hiểm và nhân viên ngân hàng phải giải thích cho khách hàng hiểu rõ quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm, tránh tình trạng hiểu lầm, hiểu sai về quyền và nghĩa vụ của khách hàng.

PV: Việc thực hiện các quy trình kiểm soát chặt chẽ hơn có thể làm cho doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng bị giảm đi không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là quy định chặt chẽ hơn sẽ làm giảm doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng, nhưng việc giảm này là lành mạnh. Bởi lẽ, các ngân hàng nếu tăng doanh thu, nhưng tăng trong bối cảnh kinh doanh không lành mạnh, tăng do sự hiểu lầm của khách hàng thì đó cũng chỉ là doanh thu ảo, không có lợi ích về mặt lâu dài.

Để có lợi ích và tăng doanh thu bền vững, lành mạnh, các công ty bảo hiểm phải đào tạo chi tiết hơn cho nhân viên ngân hàng. Theo đó, khách hàng khi mua sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở họ hiểu rõ về sản phẩm mình đang mua, họ sẽ có trách nhiệm hơn và ít đòi hỏi những điều ngoài quyền lợi của họ hơn.

PV:Thực tế cho thấy thời gian quan, các ngân hàng thường áp dụng biện pháp giao chỉ tiêu bán bảo hiểm cho nhân viên. Theo đó, nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng do áp lực doanh số nên có thể có sự mập mờ trong việc tư vấn với khách hàng, vì tâm lý họ miễn sao bán được hàng để đạt doanh số. Trong trường hợp này, vấn đề quản trị của các ngân hàng nên được nhìn nhận như thế nào?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đây đúng là một vấn đề bất cập trong quản trị kinh doanh của các ngân hàng, vì chính ngân hàng cũng chịu sức ép về doanh thu và có thể tồn tại suy nghĩ trong một số ngân hàng cho rằng việc của họ chỉ là nhà môi giới. Các vấn đề tranh chấp về sau là việc của công ty bảo hiểm (bên bán) và khách hàng (bên mua).

Tuy nhiên, việc suy nghĩ như vậy là không chính xác, dẫn đến việc chưa thực sự coi trọng yếu tố minh bạch, chuyên nghiệp trong vai trò nhà tư vấn. Theo đó, hội đồng quản trị của các ngân hàng cần phải ban hành các quy chế, quy định nội bộ liên quan đến việc hợp tác với các công ty bảo hiểm trong bán bảo hiểm lên kết để có sự phối hợp và quản lý hoạt động này hiệu quả hơn.

Ở Việt Nam tôi được biết một số ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng đã có đào tạo, nhưng việc này còn cần được coi trọng hơn nữa.

PV: Trước mắt khi nhân viên các ngân hàng chưa đủ độ chuyên sâu để tư vấn tốt cho khách hàng, các công ty bảo hiểm có nên có nhân viên của họ ngồi tại ngân hàng để có thể tư vấn khi khách hàng cần có nhu cầu tư vấn sâu hay không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ việc đó rất nên làm. Các công ty bảo hiểm nếu có nhân viên ngồi ở ngân hàng thì sẽ giúp khách hàng có thể tiếp cận được những nhân viên tư vấn có hiểu biết tốt hơn về sản phẩm. Việc này sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ ngân hàng hiểu biết về bảo hiểm không sâu dẫn đến tư vấn sai hoặc không đầy đủ cho khách hàng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Một số nội dung chính đáng chú ý tại Thông tư 67

Thông tư 67 có nhiều điểm mới được bổ sung, hoàn thiện hơn các quy định về đại lý bảo hiểm, kỳ vọng sẽ hỗ trợ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Cụ thể, thông tư tăng hoa hồng đại lý bảo hiểm nghiệp vụ bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hỗn hợp; đồng thời thay đổi tỷ lệ hoa hồng năm thứ nhất của bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị; quy định mức thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Thông tư 67 cũng quy định rõ, trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm, đại lý bảo hiểm hoặc nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm các thông tin về sản phẩm bảo hiểm, sử dụng các tài liệu do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp. Trong đó, đối với các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, Thông tư 67 đã bổ sung quy định yêu cầu đại lý bảo hiểm phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn bảo hiểm.

Ngoài ra, thông tư bổ sung các yêu cầu đối với các tài liệu trong hợp đồng bảo hiểm. Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ dài hạn, có giá trị hoàn lại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp bản giấy tài liệu tóm tắt cho bên mua bảo hiểm và phải có xác nhận của bên mua bảo hiểm. Thời gian cân nhắc 21 ngày tham gia bảo hiểm được xác định kể từ khi bên mua bảo hiểm xác nhận đã nhận được các tài liệu nêu trên.

Thông tư 67 cũng đã bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Bên cạnh đó, Thông tư 67 cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện việc giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm và xử lý vi phạm (nếu có)./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ho-tro-kenh-ban-bao-hiem-qua-ngan-hang-phat-trien-lanh-manh-139280.html