Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động

Năm nay, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều biến động. Nguồn nhân lực dồi dào song kết quả tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là dịp cuối năm. Điều này đòi hỏi phải tăng cường kết nối cung cầu lao động.

Nhiều biến động

Những tháng đầu năm, trong bối cảnh khó khăn chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng, phải cắt giảm nhân công, nhất là các đơn vị trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử, dệt. 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 87 DN (chiếm 1,2% số DN đang hoạt động) phải cắt giảm lao động, khiến hơn 26,5 nghìn lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với DN tại các KCN tổ chức tuyển dụng lao động.

Tuy nhiên, từ tháng 7, nhiều DN đã khôi phục hoạt động, có nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất. Tại các khu công nghiệp (KCN), chỉ sau một tháng, số lượng lao động tăng gần 20 nghìn người tập trung tại các công ty TNHH: Luxshare-ICT gần 8 nghìn người, New Wing Interconnect Technology hơn 4,5 nghìn người, Công nghệ chính xác Fuyu gần 2 nghìn người, Vina Solar Technology hơn 1,5 nghìn người, Fukang Technology hơn 1,3 nghìn người... Trong đó số lao động ngoại tỉnh chiếm 31%, lao động địa phương chiếm khoảng 69%.

Đạt kết quả trên là do tỉnh Bắc Giang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, được DN, tập đoàn lớn lựa chọn đầu tư vào địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhiều DN trong lĩnh vực điện tử ký lại hoặc ký mới đơn hàng, một số đơn vị mở rộng quy mô sản xuất và số DN thành lập mới tăng đã giúp thị trường lao động phục hồi. Cùng với sự nỗ lực của các DN, Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã kịp thời hỗ trợ các DN về thủ tục hành chính, hướng dẫn, cung cấp thông tin hỗ trợ đầu tư và trả lời các kiến nghị, phản ánh của DN theo đúng quy định.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 7 nghìn DN đang hoạt động sử dụng hơn 300 nghìn lao động. Riêng trong KCN có hơn 400 DN với hơn 190 nghìn công nhân. Người lao động trong tỉnh có thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng và được DN hỗ trợ các khoản tiền như: Chuyên cần, trợ cấp nhà ở, đi lại, ăn ca, thâm niên, tiền tăng ca… bảo đảm cuộc sống.

Một trong số DN đang tạo việc làm cho nhiều lao động là Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải chuyên gia công, sản xuất linh kiện lĩnh vực điện tử, thiết bị viễn thông và máy tính. DN đang sử dụng hơn 60 nghìn lao động với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam hiện có 4 nhà xưởng tại các KCN Quang Châu và Vân Trung (Việt Yên) tạo việc làm cho gần 40 nghìn lao động với thu nhập bình quân 9-12 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, là địa bàn trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, toàn huyện hiện có 4 KCN đang hoạt động là: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Việt Hàn và 3 cụm công nghiệp: Vân Hà, Việt Tiến, Hoàng Mai với gần 2,3 nghìn DN và 490 dự án đầu tư, phần lớn là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vừa qua huyện đã tổ chức Ngày hội giới thiệu việc làm để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn.

Quan tâm đào tạo nghề, nâng chất lượng nguồn nhân lực

Toàn tỉnh hiện có hơn 1 triệu lao động. Hằng năm có khoảng 32 nghìn người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và số lượng lớn lao động có nhu cầu chuyển đổi việc làm từ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Cùng đó ngày càng nhiều người ở các vùng lân cận và các tỉnh miền núi khu vực phía Bắc tìm việc, tham gia thị trường lao động tại tỉnh. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ tạo việc làm cho hơn 161 nghìn lao động. Riêng năm 2023, phấn đấu giải quyết việc làm cho 32,5 nghìn lao động, trong đó đưa 1.650 người đi làm việc ở nước ngoài.

Theo nhận định của các chuyên gia, những tháng cuối năm, nhu cầu nhân lực cho DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao. Rà soát sơ bộ, các DN cần tuyển mới hơn 40 nghìn lao động, tập trung tại các DN FDI ở các KCN và DN lớn trong tỉnh. Đơn cử như Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG có nhu cầu tuyển 300 công nhân; Công ty TNHH Liên Việt GMP (Yên Dũng) có nhu cầu tuyển hàng nghìn lao động trong lĩnh vực hàng không.

Tuy nhiên, việc cung ứng, tuyển dụng lao động còn gặp một số rào cản khiến kết quả hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là với lao động có tay nghề. Theo đại diện Công ty TNHH Luxshare - ICT (Vân Trung), Công ty cần tuyển gần 20 nghìn lao động. Yêu cầu tuyển dụng không cao, chỉ cần người lao động từ 18 đến 35 tuổi; hoặc với người lớn tuổi hơn thì chỉ cần đáp ứng sức khỏe, năng lực, Công ty sẵn sàng tiếp nhận. Ba tháng nay hầu như ngày nào Công ty cũng tuyển lao động, chỉ tiêu đặt ra mỗi ngày hàng trăm người nhưng chỉ tuyển được khoảng 50% nhu cầu.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, vừa qua, một số DN có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn, cần tuyển trong thời gian ngắn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong khoảng thời gian nhất định. Cùng đó, đại diện các đơn vị cung ứng nhân lực cho biết một số DN còn yêu cầu thủ tục tuyển dụng phức tạp, chưa thực sự quan tâm tạo môi trường làm việc thuận lợi cho lao động. Sau dịch Covid-19, nhiều lao động ngoài tỉnh đã về quê, có tâm lý muốn làm việc tại quê nhà, không quay lại DN cũ. Thêm vào đó, về phía người lao động còn thiếu kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và công nghệ thông tin...

Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về việc hỗ trợ DN tuyển dụng lao động. Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở đã yêu cầu phòng, đơn vị chức năng tiếp tục rà soát, nắm bắt nhu cầu của DN để hỗ trợ kết nối với đơn vị tuyển dụng. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ để người lao động có thêm kỹ năng trong quá trình phỏng vấn, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Quan tâm công tác đào tạo nghề, từng bước nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Quế Thương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/414694/ho-tro-ket-noi-cung-cau-lao-dong.html