Hỗ trợ kết nối nông sản, hàng hóa Bắc Kạn vào hệ thống phân phối

Nhằm hỗ trợ kết nối nông sản, hàng hóa vào hệ thống phân phối, ngày 14/6, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã làm việc với Sở Công Thương Bắc Kạn xung quanh vấn đề này.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Bộ Công Thương

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Hà Sỹ Thắng - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, tỉnh đang sở hữu rất nhiều sản phẩm nổi bật gồm: miến dong, chè Shan tuyết, tinh bột nghệ, hồng không hạt, gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo Japonica, bí xanh thơm cùng nhiều sản phẩm khác... Đến hết năm 2022, tỉnh đã đánh giá và công nhận 182 sản phẩm OCOP (Mỗi xãmột sản phẩm).

Cùng đó, tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, giúp cho sản phẩm hàng hóa khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Một số sản phẩm nông sản như: miến dong, chè, bún khô, phở khô, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, gạo Bao thai, gạo Japonica, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ) đã có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nông sản, hàng hóa của Bắc Kạn vẫn còn không ít hạn chế, nhất là mẫu mã bao bì sản phẩm chưa đẹp, chưa kết nối thâm nhập vào các hệ thống kênh phân phối hiện đại.

Hơn nữa, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn về quy mô sản xuất nhóm sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông sản; thiếu doanh nghiệp đầu mối mua gom hàng hóa cho bà con nông dân; tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian... nên ảnh hưởng tới việc đặt hàng tiêu thụ của các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị cũng như khó quản lý về chất lượng, giá bán bị đẩy lên cao.

Bởi vậy, để sản phẩm có thể đi xa và đến được đông đảo người tiêu dùng trong nước, nhóm giải pháp về kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa là hết sức quan trọng.

Do đó, tỉnh Bắc Kạn mong muốn được giới thiệu các sản phẩm đến các nhà phân phối, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, tăng cường giao thương, liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Hoan– Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì), mỗi ngày hợp tác xã sản xuất được khoảng 2 - 2,5 tấn miến dong hữu cơ, lượng giao cho khách hàng khoảng một nửa. Trong khi đầu cung sản xuất thừa, nhưng nhiều khách hàng phản ánh muốn mua sản phẩm tại siêu thị lại không có.

Do đó, hợp tác xã kỳ vọng có thể kết nối và đưa được các sản phẩm vào kênh siêu thị để sản phẩm được lan tỏa và đến với nhiều hơn người tiêu dùng.

Hàng hóa của Bắc Kạn được trưng bày tại buổi làm việc. Ảnh:Bộ Công Thương

Tại buổi làm việc, các hệ thống phân phối cũng đã chia sẻ về nhu cầu, tiêu chuẩn quy cách để sản phẩm có thể vào được hệ thống các siêu thị; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ gian hàng, quầy hàng nhằm giúp Bắc Kạn có thể trưng bày, quảng bán sản phẩm của địa phương.

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc khu vực miền Bắc - Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) nhấn mạnh, Saigon Co.op thường xuyên tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, nhưng vấn đề phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ.

Để hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, Saigon Co.op có thể sắp xếp các khu vực, quầy kệ giúp địa phương có thể trưng bày sản phẩm miễn phí tại siêu thị.

Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc vận hành WinMart miền Bắc cho rằng, với 132 siêu thị và 3.500 cửa hàng Winmart+ cũng cần một lượng hàng hóa rất lớn để phục vụ nhu cầu người dân. Đến nay, nhiều sản phẩm của Bắc Kạn đã vào hệ thống siêu thị và không còn mới lạ với người tiêu dùng của Winmart+ như: bí đao thường, bí đao thơm, sản phẩm miến dong Na Rì... Các sản phẩm cũng được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Tuy nhiên, sản lượng đưa vào chưa nhiều và cũng chưa tiếp cận được với toàn bộ thị trường trong cả nước.

Nhằm hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp và các đơn vị đã đưa hàng vào hệ thống, Winmart sẽ tìm các giải pháp marketing sản phẩm. Với các sản phẩm chưa vào được hệ thống, chúng tôi sẽ dành diện tích để các đơn vị tổ chức gian hàng quảng bá sản phẩm tại siêu thị.

Đặc biệt, qua cuộc họp này, Winmart có thể nắm bắt được tín hiệu thị trường và lựa chọn được nhiều sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị, từ đó giúp cho các sản phẩm vươn xa.

Tại buổi làm việc, nhiều siêu thị cho hay, tuy Bắc Kạn có vùng nguyên liệu đầu vào sạch, sản phẩm tốt, nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã chưa biết cách làm marketing. Khối lượng sản phẩm cũng không lớn, chưa trở thành hành hóa khiến chi phí vận chuyển đội lên.

Do vậy, cần thay đổi cách thức truyền thông, đẩy mạnh quảng bá về hình ảnh. Hơn nữa, khi hàng hóa vào được hệ thống siêu thị thì thường xuyên chăm sóc sản phẩm tại hệ thống siêu thị để kéo dài vòng đời sản phẩm trên kệ của siêu thị. Mặt khác, các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp cũng phải xác định sản phẩm chủ lực, phát triển chuỗi giá trị, xây dựng chiến dịch phát triển thương hiệu nhằm tạo dấu ấn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chú ý đến xu hướng mới về nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng trong việc chọn mua các sản phẩm; bám sát nhịp sống thị trường; hợp tác chặt chẽ với các chuỗi bán lẻ; tổ chức các Tuần hàng quảng bá; thúc đẩy trao đổi giao thương với nhà phân phối...

Theo ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, quy mô sản xuất sản phẩm của các tỉnh, thành phố nói chung và Bắc Kạn nói riêng còn nhỏ lẻ nên việc đáp ứng nhu cầu, yêu cầu của nhà phân phối là rất khó.

Cùng đó, để sản phẩm có sự khác biệt và các nhà phân phối, nhà bán buôn, bán lẻ phải tìm đến đặt hàng cũng là vấn đề đặt ra.

Do vậy, ông Phan Văn Chinh đề nghị Sở Công Thương Bắc Kạn tham mưu cho tỉnh xây dựng chiến lược, chương trình, từ đó có được những mặt hàng riêng, khác biệt của địa phương mình. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa người mua - người bán, giữa các nhà phân phối với nhau để có được nguồn hàng đủ về số lượng và đúng về chất lượng. Sự liên kết này phải được thực thi một cách nghiêm túc mới thúc đẩy được việc tiêu thụ hàng hóa tại hệ thống phân phối./.

Uyên Hương/BNBEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ho-tro-ket-noi-nong-san-hang-hoa-bac-kan-vao-he-thong-phan-phoi/294730.html