Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19: Vẫn còn những khó khăn

Thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay các địa phương trong toàn tỉnh đã hoàn thành chi trả hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng gồm: Người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện các địa phương đang tiến hành rà soát, lập danh sách chi trả hỗ trợ cho nhóm đối tượng là người lao động. Tuy nhiên, việc thống kê, rà soát để triển khai hỗ trợ tới nhóm đối tượng là lao động không có hợp đồng lao động lại gặp nhiều khó khăn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Tổ giúp việc cho Hội đồng thẩm định của TP Hạ Long thường xuyên rà soát, thẩm định hồ sơ trước khi trình thành phố ban hành quyết định hỗ trợ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ cho các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở đã lập đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ; thành lập 2 tổ công tác phối hợp với MTTQ tỉnh triển khai kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn trong việc xét duyệt chi trả tiền hỗ trợ. Cùng với đó, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện hỗ trợ cho người dân đảm bảo kịp thời, thuận lợi, công khai minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng trục lợi chính sách.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các sở, ngành, địa phương đến nay đã có 10.907 người có công với cách mạng; 30.125 đối tượng bảo trợ xã hội, 22.327 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã nhận đủ tiền hỗ trợ với tổng kinh phí trên 78 tỷ đồng.

Riêng việc hỗ trợ nhóm đối tượng người lao động, tính đến thời điểm này mới có TP Hạ Long là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện chi trả đối với nhóm đối tượng người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, thành phố đã thành lập Hội đồng để thẩm định cho nhóm đối tượng được hỗ trợ. Đồng thời, thành lập một tổ gần 10 người thuộc các phòng, ban, đơn vị có liên quan giúp việc cho Hội đồng thẩm định thường xuyên rà soát, thẩm định hồ sơ trước khi Hội đồng thẩm định trình thành phố ban hành quyết định hỗ trợ cho đối tượng.

Phường Phương Đông, TP Uông Bí chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng là người có công.

Đợt 1, thành phố đã xét và hỗ trợ cho 3.000 trường hợp bị tạm hoãn hợp đồng lao động, và người lao động bị chấm dứt hợp đồng mà không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, người lao động tự do là hơn 2.400 người (thuộc các lĩnh vực bán hàng rong, xe ôm, bán vé số lưu động...) với số tiền hỗ trợ trên 3 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố đang triển khai đợt 2, dự kiến sẽ hỗ trợ cho trên 3.000 người với số tiền cũng khoảng trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thành phố cũng gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TP Hạ Long, cho biết: Đối với nhóm tạm hoãn hợp đồng thì việc xác định doanh thu, nguồn tài chính gặp khó khăn vì chỉ xem xét khi báo cáo tài chính quý I của đơn vị phải thực sự trung thực. Với nhóm lao động tự do cũng trông chờ vào lòng trung thực của người dân; vì việc xác định nguồn thu nhập không có tính chất mở như tiền gửi tiết kiệm, tiền cho thuê nhà...

Ngoài ra, theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH do quy định về điều kiện hỗ trợ theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ giới hạn về thời gian mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/4 đến 15/6 hoặc 30/6/2020, nên đối tượng người lao động mất việc làm trước thời điểm 1/4/2020 không đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Điều này cũng là thiệt thòi cho bộ phận người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã bị mất việc từ tháng 2 và tháng 3/2020.

Nhóm lao động tự do khó khăn trong việc xác định nguồn thu nhập.

Hơn nữa, trong quá trình thẩm định, việc xác định các đối tượng cụ thể thuộc nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động còn phát sinh nhiều bất cập như: Việc xác định doanh nghiệp không có doanh thu, hoặc không còn nguồn tài chính để chi trả còn chưa rõ ràng (do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính chưa có các hướng dẫn cụ thể, kịp thời). Dẫn đến việc tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho nhóm đối tượng người lao động bị chậm so với kế hoạch đề ra.

Trước sự phức tạp, đa dạng của các hình thức lao động, để đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần hỗ trợ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của người lao động trên địa bàn tỉnh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Qua đó, sớm đưa tiền hỗ trợ đến tay người thụ hưởng, tạo động lực vượt qua khó khăn, sớm góp phần vào công cuộc phục hồi SXKD trong trạng thái KT-XH mới, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/ho-tro-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-dich-covid-19-van-con-nhung-kho-khan-2488034/