Hỗ trợ người nghèo vùng đặc biệt khó khăn ở tỉnh Khánh Hòa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt đề án hỗ trợ hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn từ nay đến hết năm 2020 với kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Ðối tượng được thụ hưởng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, chưa có hoặc chưa đủ đất ở, đất sản xuất, khó khăn về nước sinh hoạt; lâu nay chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ này.

Theo phương án, toàn tỉnh có hơn 1.030 hộ cần hỗ trợ đất ở, với định mức được cấp 200 m2/hộ; hơn 2.300 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất với định mức giao đất sản xuất chuyên trồng lúa nước không quá 0,15 ha/hộ, đất trồng lúa nương hoặc cây hằng năm khác không quá 0,25 ha/hộ, đất trồng cây lâu năm không quá 0,5 ha/hộ. Ngoài đất, mỗi hộ được hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều nhất năm triệu đồng và được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm dịch vụ hoặc làm nghề khác, tăng thu nhập. Hơn 2.110 hộ có nhu cầu về nước sinh hoạt sẽ được hỗ trợ bình quân 1,5 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.

Tỉnh Khánh Hòa có hơn 71 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn sống tập trung ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp các ngành chức năng nhanh chóng xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung chi tiết, năm 2018 sẽ thực hiện đề án tại cơ sở, tổng số kinh phí hỗ trợ bước đầu hơn 33 tỷ đồng.

* Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, tỉnh yêu cầu cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức toàn diện, đáp ứng công việc. Các cơ quan rà soát, sửa đổi thủ tục hành chính, tránh chồng chéo, bất cập liên quan; xây dựng Ðề án chính quyền điện tử, bảo đảm hoạt động hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Ðến nay, tất cả các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng nội bộ, kết nối cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng với trục đường cáp quang, thiết bị đầu cuối được lắp đặt tại 55 đơn vị... Toàn tỉnh đã bàn giao, cấp phát gần 7.900 hộp thư điện tử công vụ cho toàn bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức; cài đặt hệ thống chữ ký điện tử tại nhiều đơn vị, địa phương. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được nâng cấp công nghệ, tích hợp hệ thống điện tử công vụ.

Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại 166 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gọi chung là bộ phận một cửa, một cửa liên thông) ở ba cấp tỉnh, huyện, xã. Toàn tỉnh có 1.652 thủ tục hành chính thuộc 170 lĩnh vực giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Từ năm 2015 đến nay, bộ phận một cửa các cấp nhận tổng số 1 triệu 996 nghìn 213 hồ sơ, đã giải quyết
1 triệu 980 nghìn186 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn hơn 99%.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34099602-ho-tro-nguoi-ngheo-vung-dac-biet-kho-khan-o-tinh-khanh-hoa.html