Hỗ trợ nữ doanh nhân kết nối thị trường thế giới

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nữ doanh nhân có nhiều lợi thế khi làm kinh doanh, đặc biệt ở các lĩnh vực kinh doanh như thương mại điện tử, thương mại kỹ thuật số…

Việc Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) - đơn vị của tổ chức Liên hợp quốc và WTO khởi động Dự án SheTrades và UPS sẽ tạo động lực mới, trở thành đòn bẩy phát huy tiềm năng của các nữ doanh nhân, kết nối họ với thị trường thế giới…

Thuận lợi đan xen thách thức

Nhận định về cơ hội phát triển của những doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty Sản xuất và xuất khẩu quế, hồi Việt Nam cho rằng, đó là tổng hòa của những thuận lợi đan xen thách thức. Thuận lợi bởi lẽ, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nhìn chung đang hỗ trợ phụ nữ làm kinh doanh. Việt Nam tự hào có truyền thống lâu đời về phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh và so với nhiều nền kinh tế tương tự, Việt Nam có ít sự khác biệt giữa địa vị pháp lý của nam giới và nữ giới. Chung quan điểm này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, chuyên gia phân tích, nữ giới có xu hướng dùng tiền của mình vào đầu tư cũng như tiết kiệm, có nhiều thời gian tiếp cận thông tin thị trường hơn.

 Ảnh minh họa. Nguồn: baodansinh.vn.

Ảnh minh họa. Nguồn: baodansinh.vn.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mà theo bà Nguyễn Thị Huyền, đây là những rào cản rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các nữ doanh nhân. “Đối với một doanh nghiệp khi kinh doanh sản xuất và xuất khẩu sẽ có nhiều khó khăn và thách thức nhưng doanh nghiệp do nữ làm chủ sẽ có thêm một số yếu tố khác tác động trong quá trình kinh doanh như: Khó tiếp cận nguồn đầu tư (thường những nhà đầu tư thích làm việc với những công ty do nam làm chủ, nhất là ở Việt Nam khi định kiến xã hội nam và nữ còn lớn); nữ chủ doanh nghiệp khi giao dịch làm việc với đối tác nam nước ngoài chưa thể hiện hết sự tự tin, bản lĩnh; cân bằng giữa kinh doanh và cuộc sống gia đình…”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.

Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, nguồn vốn luôn là thách thức với nữ doanh nhân. Nhiều trường hợp khi thuyết trình đề án kinh doanh để kêu gọi đầu tư, doanh nhân nữ luôn gặp những câu hỏi mang tính định kiến giới tính mà không gặp được những câu hỏi khuyến khích, gợi ý cho triển khai ý tưởng và không có cơ hội trình bày ý tưởng kinh doanh.

Kết nối mạng lưới nữ doanh nhân

Dự án SheTrades và UPS do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) triển khai kéo dài 3 năm từ nay đến năm 2021, nhằm tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong thương mại bằng cách cải thiện khả năng cạnh tranh, cung cấp các giải pháp về hậu cần thương mại và hỗ trợ hệ sinh thái nhằm tạo ra các cơ hội kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty Sản xuất và xuất khẩu quế, hồi Việt Nam, dự án rất hữu ích, đặc biệt với các nữ doanh nhân do dự án tập trung hỗ trợ đối tượng này. Việc dự án hướng đến kết nối doanh nghiệp do nữ làm chủ với thị trường thế giới cũng tạo ra cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam tiếp cận đối tượng khách hàng mới. “Các mặt hàng của Việt Nam có chất lượng rất tốt nhưng do chưa có quy trình sản xuất công nghệ cao nên không tiếp cận được các thị trường cao cấp. Việc tham gia dự án sẽ giúp doanh nghiệp được hỗ trợ những nền tảng cần thiết, gia tăng xuất khẩu thành công”, bà Nguyễn Thị Huyền khẳng định.

Bà Anna Mori, Quản lý Dự án ITC SheTrades và UPS cho biết, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Khi triển khai dự án, ITC sẽ kết hợp với Amazon và IPAY cung cấp dịch vụ, tổ chức huấn luyện giúp phụ nữ làm thương mại tốt hơn; cung cấp kiến thức giúp phụ nữ chuẩn bị tốt hơn về logistics từ đó giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 40% GDP và tạo ra 50% số lượng việc làm cho xã hội. Dựa trên dữ liệu Tổng điều tra doanh nghiệp năm 2014 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có 95.906 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu phát huy được tiềm năng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý cũng đã và đang tạo ra giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập đáng kể cho đất nước, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước, trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng.

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ho-tro-nu-doanh-nhan-ket-noi-thi-truong-the-gioi-576363