Hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, mua bán ở nước ngoài: Rào cản không chỉ từ phía nạn nhân

Từ câu chuyện thực tế làm việc của các đại biểu tham dự hội thảo tham vấn 'Tài liệu hướng dẫn (SOP) về điều phối, chuyển tuyến dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ bị bạo lực/mua bán (tại nước ngoài)' do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) tổ chức, cho thấy, nhu cầu phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài cần sự trợ giúp rất lớn nhưng mới được đáp ứng tỷ lệ nhỏ. Và rào cản không chỉ từ phía nạn nhân.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Trẻ em vị thành niên (CSAGA) phát biểu tại Hội thảo

Bà Phạm Thu Hương, phụ trách đường dây nóng 18001768 của Hội Nông dân Việt Nam

Bà Phạm Thu Hương, phụ trách đường dây nóng 18001768 của Hội Nông dân Việt Nam

Phạm Thu Hương, phụ trách đường dây nóng 18001768 của Hội Nông dân Việt Nam, cho biết, trong mười mấy ngàn cuộc gọi tới đường dây này, chuyển tuyến từ nước ngoài chỉ có khoảng 200 cuộc, trong đó có 5 ca là những phụ nữ bị mua bán sang Trung Quốc, Campuchia. Điều này cho thấy, chị em người Việt Nam ở nước ngoài tìm tới đường dây vẫn là khoảng trống. Mặc dù đây là một đường dây nóng được quảng bá nhiều nhưng mới chỉ dừng lại ở trong nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam tại nước ngoài, điều quan trọng nhất là có các biện pháp giúp chị em cởi bỏ tâm lý tự ti, sợ hãi, thấy rằng quyết định cầm điện thoại tìm kiếm sự trợ giúp khi có vấn đề là bình thường, là cần thiết. Theo ông, để tăng cường hiệu quả, giúp phụ nữ di cư tự bảo vệ, biết cách tìm trợ giúp chỉ nên có 1-2 số điện thoại khẩn cấp để chị em dễ nhớ. Còn sau đó mới cần các kết nối khác.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, chuyên gia tư vấn tâm lý của Ngôi nhà bình yên

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, chuyên gia tư vấn tâm lý của Ngôi nhà bình yên, chia sẻ, từ năm 2021 đến nay có tới 50% số người tạm trú là lao động di cư nước ngoài không hợp thức, họ cũng không tìm kiếm được sự trợ giúp khi ở nước ngoài. Bà đkặt ra câu hỏi: Họ đã được trang bị trước khi đi về các địa chỉ trợ giúp hay không? Và có cơ chế nào để giám sát về hiệu quả những hỗ trợ đó? Ngoài ra, thực tế làm việc tại Ngôi nhà bình yên còn đặt ra một vấn đề, đó là xác định nhân thân cho những người bị mua bán trở về, nếu không họ sẽ trở nên vô hình ngay tại quê hương.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Trẻ em vị thành niên (CSAGA), chia sẻ về những day dứt của bà và các cộng sự khi nhận cuộc gọi/ chat của nạn nhân hay gia đình thông báo đến mà không kịp hỗ trợ. Đây cũng là khó khăn chung của việc tư vấn qua điện thoại/mạng xã hội cho nạn nhân bị bạo lực, mua bán ở nước ngoài, đặc biệt là nạn nhân không biết rõ các thông tin địa điểm.

Theo bà Lê Thương, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, không chỉ các nạn nhân khó tìm được cách kết nối ra bên ngoài, chính những người muốn giúp các nạn nhân cũng không có thông tin chính xác để kết nối với các cơ quan hữu quan. Bà mong muốn tổ chức của mình có sự công nhận chính thức, được cập nhật kiến thức, được lan tỏa thông tin về địa chỉ kết nối của các hội đoàn này để có thể phối kết hợp giúp đỡ nạn nhân hiệu quả hơn.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ho-tro-phu-nu-bi-bao-luc-mua-ban-o-nuoc-ngoai-rao-can-khong-chi-tu-phia-nan-nhan-2023060416361395.htm