Hỗ trợ sản phẩm công nghiệp văn hóa hoàn thiện, đột phá

Hà Nội có tiềm năng rất lớn với nguồn lực văn hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để đưa các sáng tạo văn hóa thành các sản phẩm trong các ngành du lịch, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học Nhiệm vụ “Nghiên cứu xác định một số sản phẩm dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô cần ưu tiên phát triển trong tình hình mới” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức.
Ẩm thực - tiềm năng xây dựng sản phẩm văn hóa của Thủ đô
Tối 17/12, Tour xe đạp đêm Thăng Long – Hà Nội, với hành trình trải qua một loạt di tích văn hóa - lịch sử sẽ chính thức phục vụ du khách. Đây là 1 trong 15 sản phẩm du lịch đêm của TP Hà Nội, tour 2 điểm xuất phát từ Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng lịch sử quốc gia; với điểm kết thúc là hành trình thưởng thức ẩm thực tại không gian phố đi bộ Ngũ Xã.

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023 thu hút du khách.

Vừa qua, Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023 thu hút nhiều người dân đến vui chơi, thưởng thức ẩm thực. Nhiều gian hàng món ăn của Hà Nội, các tỉnh và quốc tế chật kín người. Theo BTC, Lễ hội đã thu hút 150.000 người.
Tại Hội thảo, nhiều chuyện gia nhìn nhận, Hà Nội có tiềm năng rất lớn với nguồn lực văn hóa. So với “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của cả nước”, Hà Nội đã đề xuất thêm ngành ẩm thực – một ngành thực sự có tiềm năng phát triển lớn của Thủ đô. Đây là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn ở Thủ đô bởi rất nhiều các món ăn, đồ uống đã nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà lan tỏa ra toàn thế giới. Nhiều vị đứng đầu ở các quốc gia, nhiều chính khách chính trị ở khắp mọi nơi trên thế giới đã thưởng thức và ca ngợi như phở Hà Nội, bún chả, chả cá Lã vọng, bánh tôm hồ Tây, bia Hà Nội, cà phê trứng.
PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết: Kế hoạch 217/KH-UBND của UBND TP đã lựa chọn 3 trên 6 ngành, trên 13 ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội, trước mắt trong tình hình mới cần thiết ưu tiên phát triển là: Du lịch văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn. Vấn đề là cần lựa chọn được những sản phẩm, dịch vụ từ những ngành này để ưu tiên đầu tư.

Sản phẩm trưng bày tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Lại Tấn.

Để tạo sự phát triển bứt phá, ổn định, bền vững những sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn ưu tiên trong 3 ngành công nghiệp văn hóa nói trên, theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cần bảo đảm một số yếu tố như: Sản phẩm và dịch vụ văn hóa phải có tiềm năng, lợi thế phát triển cao; đã có uy tín, gây ấn tượng, quan tâm, ưu thích của nhiều người; có tiếng vang, tính đại diện, mang đậm bản sắc văn hóa Hà Nội; có khả năng quảng bá, phổ biến sản phẩm, dịch vụ và tiêu dùng rộng rãi trong nước, khu vực và quốc tế; góp phần định hướng phát triển văn hóa thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên; góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc; tạo ra và đóng góp giá trị kinh tế và giá trị văn hóa cho TP.
PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ gợi ý, về ẩm thực, sản phẩm dịch vụ lựa chọn của địa phương phải dựa trên lợi thế và phải xem thế mạnh, sự nổi tiếng, hấp dẫn, độc đáo của địa phương mình là sản phẩm, dịch vụ gì cần ưu tiên. Ví dụ như rau sắng chùa Hương, giò chả Ước Lệ, bánh giầy quán Gánh, bánh giò Lại Thượng, chè lam Thạch Xá, bánh tôm Hồ Tây, bánh trung thu cổ truyền Thụy Khuê, phở Thìn bờ hồ, phở Lý Quốc Sư (nói chung là phở Hà Nội), bánh mì Hà Nội, bún chả Hà Nội, chả cá Lã Vọng.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giá trị về những vấn đề, như phát triển sản phẩm văn hóa trong công nghiệp văn hóa với hướng tiếp cận từ quản lý sản phẩm văn hóa.

Chuyến tàu di sản trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2023.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa, xã hội - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Để xác định được sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô ưu tiên phát triển thì cần phân biệt sản phẩm công nghiệp văn hóa khác với các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp như thế nào. Sản phẩm công nghiệp văn hóa phải có tính nghệ thuật, độc đáo, hấp dẫn, thậm chí độc bản. Từ đó, các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng Bộ tiêu chí xác định sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa Thủ đô. Theo tôi, Hà Nội nên ưu tiên phát triển những sản phẩm công nghiệp văn hóa liên quan đến âm nhạc, mỹ thuật. Vì đây là hai lĩnh vực không bị rào cản ngôn ngữ, dễ thu hút và hấp dẫn nhiều đối tượng công chúng.
Từ thực trạng Lễ hội Âm nhạc quốc tế “Gió mùa” chỉ xin được chủ trương trước 3-4 tháng và được cấp phép diễn ra trước khai màn vài ngày, ở góc độ cơ chế, chính sách, Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ: Muốn thực hiện CNVH, chọn được sản phẩm cho phát triển CNVH mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu của người thụ hưởng, khiến khách hàng dù đi thật xa, bỏ tiền thật nhiều vẫn sẵn sàng thì ngoài nỗ lực của những người sáng tạo, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo điều kiện từ các cấp, ngành, địa phương. Phát triển công nghiệp văn hóa là nhu cầu của mọi người, mọi cấp, ngành, địa phương và đem lại lợi ích cho toàn xã hội.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, để tạo nên được sản phẩm công nghiệp văn hóa hoàn thiện, còn phải có các chính sách hỗ trợ. “Để tạo nên được sản phẩm công nghiệp văn hóa hoàn thiện, còn phải có các chính sách hỗ trợ. Chúng ta đã có chiến lược tổng thể quốc gia, nên trên cơ sở đó, mỗi địa phương phải chọn những sản phẩm văn hóa phù hợp với nhu cầu, lợi thế và đặc biệt đặt trong bối cảnh mà các địa phương trên cả nước và các quốc gia trên thế giới đều coi công nghiệp văn hóa là lĩnh vực trọng tâm tạo nên động lực phát triển” – PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ho-tro-san-pham-cong-nghiep-van-hoa-hoan-thien-dot-pha.html