Hỗ trợ sản xuất nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu

Để bền vững hóa nông nghiệp nhanh, hiệu quả nhất là áp dụng các công nghệ tiên tiến cải thiện an toàn thực phẩm, hiệu suất và truy xuất nguồn gốc.

Diễn đàn Nông nghiệp Bền vững Việt Nam - EU mang tên “Nông nghiệp 4.0: Tiềm năng tiếp cận thị trường Châu Âu” do Phòng Thương mại Châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19/9/2019.

Sự kiện nhằm luận bàn về những thách thức mà các nhà xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt và các giải pháp kỹ thuật giúp cho các sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu có thể truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận và đảm bảo an toàn từ Việt Nam sang châu Âu. Sự kiện sẽ kết nối các nhà hoạch định chính sách, người nông dân và các nhà xuất khẩu Việt Nam với các công ty hàng đầu châu Âu với những bài trình bày về chuyên môn kỹ thuật và các giải pháp cho nông nghiệp tiên tiến.

Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và khí hậu thuận lợi, Việt Nam có được lợi thế về nông nghiệp. Theo số liệu năm 2018 của Tổng cuc Thống kê, lực lượng lao động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm gần 38% tổng dân số lao động. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông-lâm-ngư nghiệp của Việt Nam đã đạt 26,6 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN.

Tuy nhiên, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản để đáp ứng các quy định quốc tế nghiêm ngặt, đặc biệt là về công nghệ mới để có thể đạt được tiềm năng tối đa về thị trường và giá cả. Việt Nam được dự đoán sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất tại các thị trường ở EU nhờ vào Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) bởi thuế giảm sẽ làm tăng nhu cầu và đẩy mạnh xuất khẩu. Để đạt được điều này, điều quan trọng là phải nắm bắt các công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và có thể truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các thị trường tiêu dùng đòi hỏi cao như thị trường EU.

Công nghệ chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Công nghệ chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất thực phẩm trên toàn thế giới, ABB tập trung vào việc cung cấp các giải pháp năng lượng, tự động hóa và kỹ thuật số nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng trong mọi khía cạnh của vận hành, cho phép các nhà sản xuất đạt tới tiềm năng sản xuất tối đa và sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong hiện tại và tương lai.

Tiến sĩ Brian Hull, Tổng giám đốc của ABB tại Việt Nam sẽ có một bài phát biểu mang tựa đề “Thay đổi diện mạo ngành công nghiệp thực phẩm bằng công nghệ kỹ thuật số” tại diễn đàn.

“Bức tranh toàn cảnh đang thay đổi. Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm của Việt Nam nói riêng phải chịu áp lực liên tục để thích nghi và phát triển để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là phải đảm bảo được việc tăng sản lượng, nâng cao vệ sinh, chất lượng và sự đa dạng trong khi đảm bảo cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi cam kết về một tương lai thực phẩm nông nghiệp bền vững, hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao an toàn thực phẩm và sử dụng trang thiết bị hiệu quả hơn thông qua các giải pháp kỹ thuật số hàng đầu của mình.” Tiến sĩ Brian Hull cho biết./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ho-tro-san-xuat-nong-san-viet-nam-tiep-can-thi-truong-chau-au-957398.vov