Hỗ trợ sinh kế phù hợp, giúp người dân giảm nghèo bền vững

Thực tế công tác xóa đói, giảm nghèo những năm qua cho thấy, việc quan trọng nhất là trao 'cần câu', tạo sinh kế hiệu quả giúp hộ nghèo, người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Điều này rất cần có nhận thức đúng và các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai trao lợn giống tặng hộ nghèo trên địa bàn (tháng 5-2018). Ảnh: HỒNG SÁNG

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai trao lợn giống tặng hộ nghèo trên địa bàn (tháng 5-2018). Ảnh: HỒNG SÁNG

Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, được Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc (FAO) thừa nhận, đánh giá cao. Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2012-2018” đã khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các bộ, ngành Trung ương đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Các địa phương ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, như: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho DTTS nghèo, hộ nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi, vay vốn xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo đồng bào DTTS...

Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo đã tạo chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng, với khoảng 25.000 công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản, buôn, làng đồng bào khó khăn, vùng DTTS, miền núi. Đến nay, hầu hết các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS giảm trung bình khoảng 3,5%/năm. Kinh phí ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018 là hơn 47.000 tỷ đồng; hơn 1,4 triệu hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ gần 46.160 tỷ đồng

Tuy nhiên, một tình trạng làm không ít người phải trăn trở, suy nghĩ, đó là tỷ lệ hộ đồng bào DTTS tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo trong cả nước còn cao. Thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo DTTS thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước. Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu. Nhiều chỉ tiêu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a, Chương trình 135 chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Một số mục tiêu lớn (giảm huyện nghèo, xã và thôn đặc biệt khó khăn) không đạt. Điều này cho thấy, việc giảm nghèo, thoát nghèo bền vững là công việc khó khăn, lâu dài.

Thực tế, lâu nay trong việc xóa đói, giảm nghèo, nhiều người khẳng định, nên trao cho người nghèo "cần câu" hơn là "con cá", nghĩa là hỗ trợ sinh kế thiết thực, hiệu quả để họ tự vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống.

Nói về vấn đề này, đồng chí Ngô Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom (Đức Cơ, Gia Lai) cho rằng, các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo cần có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt cần sớm loại bỏ chính sách “cho không” đối với hộ nghèo, tức là không nên hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiền mặt hoặc các loại vật chất sử dụng ngắn ngày. Thay vào đó nên duy trì mô hình đầu tư mẫu như cách làm của một số đơn vị quân đội thực hiện nhiệm vụ tại các khu kinh tế-quốc phòng. Căn cứ tình hình thực tế, địa phương tiến hành quy hoạch, xây dựng mô hình chăn nuôi, mô hình vườn cây ăn quả, ao cá, trồng rau sạch… áp dụng khoa học kỹ thuật, rồi phổ biến kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Cùng với đó, giúp đỡ người nghèo về cây, con giống, công cụ sản xuất, tiến hành bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Đây chính là cách làm thiết thực góp phần giúp các địa phương, các hộ thoát nghèo bền vững.

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi được chứng kiến cách làm sáng tạo trong hành trình chung tay vì người nghèo của LLVT tỉnh Kon Tum. Theo Đại tá Hồ Anh Tuấn, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Kon Tum, từ năm 2016 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đều chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tiến hành khảo sát, lựa chọn những thôn, xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, xem nhu cầu của địa phương và người dân nơi đó cần gì, đang gặp khó khăn, vướng mắc ở đâu; nguyên nhân dẫn tới nghèo, tái nghèo, từ đó xây dựng phương án hỗ trợ, phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ người dân và địa phương thoát nghèo; xác định rõ chỉ tiêu cụ thể về thời gian, chất lượng. Từ năm 2016 đến nay, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum phối hợp với các cơ quan, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn giúp hàng trăm hộ thoát nghèo, đầu tư hàng chục tỷ đồng giúp các địa phương xây dựng công trình dân sinh, nhà văn hóa, đường liên thôn… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực miền núi, biên giới.

Thực tế cho thấy, để giúp người nghèo thoát nghèo, điều quan trọng là phải đi sâu, đi sát, phải hiểu được người nghèo đang cần nhất cái gì, những điều kiện nào để họ có thể tạo "bàn đạp" đưa cuộc sống thoát khỏi nghèo đói dai dẳng. Nếu không thực sự lắng nghe, thấu hiểu cái nghèo trong từng cộng đồng, từng địa phương, gia đình và có giải pháp cụ thể thì sẽ vẫn là sự giúp đỡ chung chung, hiệu quả không cao.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/che-do-chinh-sach/ho-tro-sinh-ke-phu-hop-giup-nguoi-dan-giam-ngheo-ben-vung-606966