Hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành: Băn khoăn phương án bố trí vốn

Thảo luận ở hội trường sáng 13/11 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều đại biểu vẫn tỏ ra băn khoăn về công tác tái định cư và nguồn vốn đối với dự án này.

Chọn phương án vốn nào?

Để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành cần 23.000 tỷ đồng và hiện nay ngân sách mới bố trí được 5.000 tỷ đồng nên báo cáo dự án khả thi đã đưa ra 2 phương án.

Phương án 1 là bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội và 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu; trường hợp không đủ thì bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Phương án 2 là ngân sách Trung ương bố trí bổ sung kinh phí 17.938 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án.

Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể giải giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, nên chọn phương án 1 và lấy dứt điểm ở trong 80.000 tỷ đồng. Còn nguồn dự phòng trung hạn là để đảm bảo cho chuyện trượt giá cũng như những rủi ro có thể phát sinh để các dự án trung hạn được Quốc hội thông qua thực hiện được và sớm đưa vào khai thác sử dụng, tránh lãng phí, xây dựng xong rồi một loạt bỏ lửng ở đấy mà chưa hoàn thiện, chưa khai thác sử dụng thì sẽ gây lãng phí.

Trong khi đó, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) lại lo ngại rằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành liên tục tăng so với mỗi lần báo cáo. Cụ thể, ban đầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo giải phóng mặt bằng có hơn 13 nghìn tỷ đồng, sau đó lại báo cáo hơn 18 nghìn tỷ đồng và đến giờ Chính phủ báo cáo là hơn 23 nghìn tỷ đồng, mà đây chỉ là con số ước tính. Cho rằng dự án sân bay Long Thành là dự án lớn, cần nhiều thời gian để triển khai, Đại biểu Tiến băn khoăn "đến lúc thực tế triển khai có tiếp tục tăng lên nữa hay không”.

Giải trình thêm về dự án này, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, phương án 2 là phương án Chính phủ trình; còn phương án 1 là qua ý kiến đại biểu Quốc hội nên đưa vào dự thảo để nói rằng 15.000 tỷ đồng này bức xúc hơn cả đường cao tốc. Do đó rất mong các đại biểu ủng hộ phương án 2, đó là phương án Chính phủ trình.

“Cơ chế sử dụng 15.000 tỷ đồng này nếu như Chính phủ sử dụng không đúng mục đích và làm không đúng mục tiêu thì có các đoàn đại biểu Quốc hội và nhân dân giám sát... Rất mong Quốc hội ủng hộ phương án 2”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ.

Phải đảm bảo an toàn bay và đời sống dân sinh

Mặc dù rất ấn tượng với phần mô tả về thiết kế kỹ thuật của dự án, tuy nhiên đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho biết ông hoàn toàn đồng tình với những băn khoăn của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra rằng bản dự án này còn thiếu các dữ liệu tiêu chí để tính toán một cách chắc chắn, một cách chính xác quy mô đất cần thu hồi, tổng mức bồi thường, phương án cần hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư cho người dân một cách phù hợp nhất.

Theo đại biểu Cường, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi hình thành một sân bay quốc tế với lưu lượng từ 25 triêụ̣ cho đến 50 triệu hành khách thì thường kéo theo sự phát triển của các trung tâm thương mại, trung tâm logistics, các trung tâm về cư trú cho những cán bộ khu vực này và như vậy nó thường phát triển thành thành phố sân bay.

Trong khi đó, sân bay Long Thành thì quy hoạch với lưu lượng lên tới 100 triệu hành khách, cách thành phố Hồ Chí Minh 40 km, cách Biên Hòa 30 km, cách Vũng Tàu 70 km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ... Do vậy, chắc chắn khu vực sân bay cận Long Thành sẽ hình thành và phát triển khu vực đô thị mới theo hướng dịch vụ và các trung tâm phát triển thành một thành phố sân bay hàng ngàn hecta ở khu vực các xã Lộc An, Bình Sơn, Bình An.

Bởi vậy việc hình thành một khu tái định cư tại Bình Sơn với quy mô 289,79 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành một thành phố sân bay hiện đại trong tương lai tại khu vực này. Do vậy, theo ông Cường, chỉ nên quy hoạch một khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và điều chỉnh lại các quy mô của những lô đất đã quy hoạch để tái định cư với diện tích quá lớn. “Đồng thời, tôi cũng đề nghị Chính phủ cần sớm xúc tiến quy hoạch ngay một thành phố Long Thành song song với xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ như tôi đã phát biểu trong kỳ họp trước, mà còn giúp cho việc hình thành một trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ”, đại biểu Cường cho biết.

Tuy nhiên đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại có quan điểm ngược lại khi cho rằng không nên để thành phố mọc lên xung quanh sân bay, gây mất an toàn bay. Dẫn ví dụ về một sân bay nổi tiếng thế giới đó là sân bay Heathrow London của Anh, ông cho biết: "Khi chúng tôi đến London do quá tải nên máy bay gần như xếp hàng bay vòng trên không để hạ cánh, vì thế người ta phải làm sân bay Gatwick cách đó 80 km. Nhưng xung quanh đó hạn chế xây dựng thành phố, họ tạo ra một vùng trắng để sản xuất nông sản, lâm sản”.

Cũng liên quan đến tái định cư, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng chúng ta không nên để diện tích quá rộng. Với diện tích đó người dân chỉ dùng để ở, họ không thể sản xuất nông nghiệp và cũng không thể làm vườn trên diện tích đó. “Tôi đề nghị phải nghiên cứu vấn đề này làm sao để đảm bảo tính hợp lý khi chúng ta bàn giao” – ông Nhưỡng nói.

Đức Nghiêm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/ho-tro-tai-dinh-cu-san-bay-long-thanh-ban-khoan-phuong-an-bo-tri-von-69858.html