Hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế bền vững

Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, mới đây, Trung ương Đoàn đã tổ chức Hội thảo chuyên đề 'Giải pháp xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2022'.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, các mô hình phát triển kinh tế của Đoàn Thanh niên đã có đóng góp tích cực, góp phần đáp ứng nguyện vọng lập thân, lập nghiệp của thanh niên và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nhiều mô hình còn thiếu tính bền vững, nguyên nhân chính là chưa gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương. Anh Hoàng Văn Hải, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh, đánh giá: Mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiện nay rất nhiều, nhưng tính bền vững chưa cao. Quảng Ninh hiện có 3 mô hình của thanh niên đang làm thủ tục giải thể. Vì thế, việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế cần phù hợp với quy hoạch của từng địa phương. Tổ chức đoàn cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng mô hình và sản phẩm đầu ra phù hợp.

Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm từ các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên do Trung ương Đoàn tổ chức.

Theo anh Hà Đức Minh, Phó bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai: Tỉnh có hơn 1.000 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, làm lợi hơn 60 tỷ đồng/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, tập hợp thanh niên, nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế thành công thường gắn với chính sách, quy hoạch của địa phương.

Để hỗ trợ thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, các ý kiến tại hội thảo thống nhất cho rằng, cần phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ của tổ chức đoàn các cấp. Thành đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên TP Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng kiến, giải pháp cụ thể để đồng hành, hỗ trợ xây dựng các mô hình thanh niên khởi nghiệp, đạt nhiều kết quả tích cực, như: Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp trở thành mô hình mẫu trong cả nước; Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp có nguồn vốn 100 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho hơn 800 mô hình khởi nghiệp; Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo có quy mô 100 tỷ đồng; Vườn ươm doanh nghiệp quy tụ hơn 180 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp...

Anh Nguyễn Ngọc Việt, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, cho rằng: Đoàn phải xác định được những phần việc phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của tổ chức, đó là tính định hướng, dẫn dắt; nên chia nhỏ các đối tượng để có định hướng, hỗ trợ kịp thời; như thanh niên nông thôn cần hỗ trợ về chăn nuôi, trồng trọt và phát triển làng nghề. Đối với thanh niên đô thị và trí thức phải là khởi nghiệp sáng tạo. Việc khuyến khích đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp là cần thiết, nhưng tránh tình trạng làm theo phong trào.

Các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả các phong trào, mô hình của thanh niên trong xây dựng, phát triển kinh tế bền vững. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, nhấn mạnh: Tổ chức đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc định hướng, hỗ trợ thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp; lựa chọn triển khai các mô hình phù hợp với đặc thù từng địa phương; huy động các nguồn lực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế...

Bài và ảnh: ANH ĐÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ho-tro-thanh-nien-phat-trien-kinh-te-ben-vung-517344