Hỗ trợ trẻ vùng miền núi tiếp cận giáo dục STEM

Hàng ngàn học sinh bậc tiểu học và Trung học cơ sở của Hà Giang sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với hình thức giáo dục mới – STEM, thông qua dự án 'Chuỗi chuyển động STEM 2018 – 2019' (STEM on the Move) chính thức được triển khai. Qua đó góp phần xóa dần sự chênh lệch cơ hội tiếp cận giáo dục mới giữa các vùng miền ở nước ta.

Ngày 16/7 tới, diễn ra buổi khai mạc lớp tập huấn về giáo dục STEM cho gần 100 giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Giang do các chuyên gia Mỹ hướng dẫn, đào tạo cho các giáo viên tại Hà Giang bằng hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện mở đầu trong các chuỗi hoạt động của dự án “Chuỗi chuyển động STEM 2018 – 2019”, do Đại sứ quán Mỹ tài trợ và được triển khai với UBND TP Hà Giang.

STEM được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Dự án thí điểm STEM on the Move nhằm hỗ trợ trẻ em nông thôn và vùng dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động giáo dục giàu ý nghĩa. Thực hiện chương trình này, bà Hoàng Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng thành phố Hà Giang, cho biết: Dự án triển khai trong 1 năm với các nội dung cụ thể như, các chuyên gia Mỹ hỗ trợ đào tạo, tập huấn về STEM cho giáo viên tại Hà Giang. Qua đó, các giáo viên chủ động xây dựng, tập hợp chuỗi các bài giảng để tạo lên bộ giáo trình về STEM có đặc thù riêng phù hợp với điều kiện của tỉnh miền núi.

Ngoài ra, dự án cũng thành lập các câu lạc bộ STEM trong các trường học bậc tiểu học và Trung học cơ sở, tạo cơ hội cho hàng ngàn em học sinh tại địa bàn vùng miền núi này có nhiều cơ hội tiếp cận với hướng giáo dục mới hiện nay.

Một buổi học STEM cho các em nhỏ vùng dân tộc thiểu số

Theo bà Hoàng Diệu Thúy, là một trong những chủ đề nóng hổi của lĩnh vực cải cách và phát triển giáo dục tại Việt Nam nhưng giáo dục STEM hiện nay mới chỉ khởi động ở các sự kiện phổ biến kiến thức và chương trình thí điểm tại khu vực thành phố. Đối với nông thôn và miền núi, câu chuyện đó lại thật xa vời bởi những thách thức về cơ sở vật chất (thiếu tài liệu, thiết bị, phòng thí nghiệm), nguồn lực con người (giáo viên không được đào tạo chuyên sâu về STEM, ít giáo viên giỏi) và mức sống của các gia đình nói chung. “Chương trình này được triển khai cũng giúp giảm dần sự chênh lệch trong cơ hội tiếp giáo dục mới của trẻ vùng miền núi với trẻ miền xuối”.

Đại diện nhóm dự án, ông Nguyễn Thành Hải (Viện nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri, Mỹ), cho rằng lời giải cho bài toán STEM ở miền núi phụ thuộc rất nhiều vào cách tư duy đúng đắn về mô hình giáo dục này. Hà Giang có những thuận lợi đặc thù mà không thành thị nào có được, đó là môi trường tự nhiên gần gũi và cơ hội tiếp cận STEM gắn với thực tế cuộc sống. Các vấn đề nông nghiệp, sức khỏe cộng đồng hay du lịch vùng cao là những bối cảnh đặc trưng để truyền đạt kiến thức về cây trồng, vật nuôi, hệ thống năng lượng, hệ thống thông tin du lịch... Phần lớn cơ sở vật chất có sẵn ở các trường đều có thể được tận dụng, giúp cho nhiều nội dung dạy học tốn rất ít hoặc gần như không tốn chi phí nào như thăm trang trại hoặc trồng cây thủy canh từ vỏ chai cũ.

Các em nhỏ say sưa làm thí nghiệm khoa học theo chủ đề hàng tuần mà các cô giáo STEM của Trung tâm mang tới

Với “STEM on the Move”, Hà Giang là địa phương đầu tiên đưa một chương trình giáo dục STEM hoàn thiện đến với vùng miền có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Trong đó, giáo viên đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tổ chức, hướng dẫn học sinh khám phá khoa học, đặt câu hỏi gợi mở, liên hệ thực tế cuộc sống và truyền cảm hứng sáng tạo. “STEM on the Move” được triển khai thành công sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc áp dụng tại các vùng miền có điều kiện và hoàn cảnh tương tự.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/ho-tro-tre-vung-mien-nui-tiep-can-giao-duc-stem-post45438.html