Hòa Bình cần biến khó khăn 'địa hình' thành lợi thế

Phát triển kinh tế-xã hội của Hòa Bình phải đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng thủ đô Hà Nội.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng

Ngày 30/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Hòa Bình về việc góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Hòa Bình về việc góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Hòa Bình về việc góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh Hòa Bình cho biết, Hòa Bình là là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc có lợi thế phát triển đặc thù. Tuy là tỉnh miền núi nhưng Hòa Bình là một trong 9 tỉnh vùng thủ đô Hà Nội và nằm trong quy hoạch đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội, là “láng giềng” và “vệ tinh” của Hà Nội. “Với những ưu thế, tiềm năng như vậy, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hòa Bình trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra”- lãnh đạo tỉnh Hòa Bình bày tỏ.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của địa phương khá cao, bình quân hằng năm đạt 7,59%, gấp 1,12 lần so với mức trung bình toàn quốc (6,8%/năm); quy mô kinh tế tăng mạnh, ước năm 2020 đạt khoảng 54.956 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 63,8 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện bứt phá phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

Đáng chú ý, một số lĩnh vực nổi bật trong nhiệm kỳ như: Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt đạt 10,17%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,4%/năm, công nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, đến cuối năm 2020 gấp 3,5 lần so với năm 2015; giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt 1.198USD/người/năm, gấp 3,5 lần so với năm 2015; đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình; tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 3,16%; hoàn thành trước 1 năm thực hiện nhiệm vụ chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá phát triển nhanh

Theo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế thấp. Công tác quy hoạch nhìn chung chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, thiếu tầm nhìn chiến lược. Công nghiệp phát triển chưa mạnh và chưa có nhiều dự án công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả còn thấp.

Trước thưc trạng trên, ông Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Hòa Bình có vị trí đặc biệt, là cửa ngõ của Tây Bắc kết nối với đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, kết nối miền núi với đồng bằng, nằm trong vùng thủ đô kết nối với Hà Nội, Hòa Bình cần đánh giá các lợi thế so sánh, điều kiện tự nhiên và vị trí chiến lược thuận tiện về kết nối giao thông để xây dựng và phát triển Hòa Bình trở thành một nơi đáng sống, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên nền tảng giữ được hệ sinh thái, không chỉ cho Hòa Bình mà còn cả vùng đồng bằng sông Hồng.

Về công nghiệp, Trưởng ban Kinh tế Trung ương lưu ý, nên tập trung phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt công nghiệp chế biến gỗ nhằm khai thác tối đa các giá trị từ rừng; phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng để khai thác nguồn nguyên liệu trong đó có nguyên liệu gỗ tại địa phương, phát triển năng lượng sạch theo hướng khai thác tiềm năng về điện mặt trời trên mặt hồ Thủy Điện cũng như điện gió tại các vùng có điều kiện; quy hoạch và tập trung vào các khu công nghiệp để đảm bảo hiệu quả về logistic, tập trung xử lý môi trường, tạo không gian phát triển và đảm bảo hệ sinh thái.

Khai thác lợi thế gần Hà Nội và biến khó khăn về đặc điểm địa hình thành lợi thế để phát triển du lịch trong đó kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư các khu du lịch tầm cỡ, hệ thống sân golf, hệ thống y tế nghỉ dưỡng, các trung tâm đổi mới sáng tạo… để thu hút các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư vào lĩnh vực này; phát triển hạ tầng giao thông trong đó có hệ thống giao thông nông thôn về các huyện xã phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”- ông Nguyễn Văn Bình nêu rõ.

Quan điểm phát triển cho Hòa Bình trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo là: Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển trong cả nước.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-binh-can-bien-kho-khan-dia-hinh-thanh-loi-the-141370.html