Hòa Bình: Cần vốn để thực hiện tiêu chí môi trường

Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí 17 về môi trường được đánh giá là một tiêu chí khó đối với tỉnh Hòa Bình khi mà ô nhiễm môi trường tại địa phương đang là vấn đề đáng báo động.

Tỉnh Hòa Bình là địa phương có 9 huyện, 1 thành phố với 131 xã, ô nhiễm môi trường ở đây chủ yếu do nước thải từ sinh hoạt hàng ngày của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, môi trường không khí ô nhiễm chủ yếu từ các làng nghề thủ công, hoạt động chăn nuôi, thói quen đốt rác và hạn chế trong nhận thức của một bộ phận người dân về việc đảm bảo vệ sinh môi trường, nhiều khu dân cư tình trạng đổ rác ra các khu vực sườn núi, vườn, khe, suối vẫn còn phổ biến…

Nhiều hộ dân ở huyện Cao Phong đã được sử dụng nước sạch để sinh hoạt

Nhiều hộ dân ở huyện Cao Phong đã được sử dụng nước sạch để sinh hoạt

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình Xây dựng NTM, Hòa Bình mới có 2 xã đạt tiêu chí về môi trường. Xác định được những khó khăn trong công tác triển khai tiêu chí môi trường, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Phát động phong trào Hưởng ứng Tuần lễ "Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường", triển khai kế hoạch Ngày môi trường thế giới 5/6 hàng năm...

Song song với đó, hướng dẫn các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã vận động nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường (BVMT) cho nhân dân.

Xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường; cập nhật thường xuyên tin bài về xây dựng NTM, BVMT trên website của tỉnh; phối hợp, lồng ghép nội dung tập huấn công tác BVMT tại nhiều hoạt động của các huyện, thành phố và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nội dung xây dựng NTM vẫn còn có địa phương ở Hòa Bình mới chỉ tập trung cao cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển văn hóa, chứ chưa thật sự tập trung nguồn lực cho công tác cải thiện môi trường… dẫn đến việc, dù đã có một số lò xử lý rác thải tập trung được đầu tư, nhưng địa phương sử dụng chưa hiệu quả; các trạm y tế xã vẫn thiếu hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép; một số mô hình về BVMT chưa được triển khai sâu, rộng...

Kết thúc năm 2020, tổng kết phong trào xây dựng NTM, Hòa Bình có 71/131 xã đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 54,2%.

Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh công tác BVMT nông thôn giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hòa Bình đề xuất: Chương trình MTQG xây dựng NTM cần được tăng cường, bổ sung nguồn vốn triển khai nhân rộng Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường để thực hiện tốt tiêu chí về môi trường. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý môi trường. Quy định cụ thể trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm phục hồi môi trường trong trường hợp các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường.

Để đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, tỉnh Hòa Bình đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ nghiên cứu các giải pháp xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi; khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn trong chăn nuôi…

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-binh-can-von-de-thuc-hien-tieu-chi-moi-truong-149861.html