Hòa Bình lý giải việc cấp phép chưa đúng thẩm quyền cho 6 đơn vị khai thác khoáng sản tại núi Lộc Môn

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về việc cấp các giấy phép hoạt động khoáng sản chồng lấn vào Quy hoạch số 1065 của Thủ tướng đối với mỏ đá vôi Lộc Môn thuộc xã Trung Sơn và xã Cao Dương (Lương Sơn - Hòa Bình). Về vấn đề này, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đơn vị này sau đó đã có báo cáo gửi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, đồng thời lý giải những nguyên nhân dẫn đến việc cấp phép chưa đúng thẩm quyền.

Hòa Bình đang kiến nghị Thủ tướng xem xét cho điều chỉnh để phù hợp quy hoạch. (Ảnh: TL)

Trước đó, sau khi nghiên cứu các kiến nghị của UBND tỉnh Hòa Bình tại Báo cáo số 317/BC-UBND ngày 23/10/2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời, trong đó chỉ rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Hòa Bình trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản tại mỏ đá vôi Lộc Môn đối với 6 đơn vị bao gồm: Cty CP khai thác khoáng sản Lương Sơn; Cty TNHH MTV Thiên Hà Hòa Bình; Cty CP Hoàng Đạt; Cty TNHH công nghiệp dầu nhớt Valine; Cty CP 305 Hòa Bình; Cty CP đầu tư Khoáng sản – Than Đông Bắc.

Theo Bộ Xây dựng, trong 7 Giấy phép hoạt động khoáng sản do UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp tại khu vực mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng Lộc Môn, chỉ có 01 Giấy phép với diện tích là 5,0ha cấp trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch 105 (Giấy phép số 60/QĐ-UBND ngày 29/6/2007); 6 Giấy phép UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp chồng lấn vào Quy hoạch 1065 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 68,84ha là chưa đúng thẩm quyền cấp phép của tỉnh, bao gồm các Giấy phép: số 74/QĐ-UBND ngày 28/10/2009, số 98/QĐ-UBND ngày 10/12/2009, số 08/QĐ-UBND ngày 14/01/2011, số 55/QĐ-UBND ngày 10/5/2011, số 73/QĐ-UBND ngày 28/12/2012, số 87/QĐ-UBND ngày 30/6/2011 do khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa ra khỏi quy hoạch khoáng sản làm xi măng.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc cấp phép chưa đúng thẩm quyền, ngày 25/02/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 20/BC-STNMT báo cáo Công tác Quy hoạch, quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo thẩm quyền của tỉnh tại khu vực mỏ đá Lộc Môn, xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Báo cáo nêu rõ: Các đơn vị (Cty CP Hoàng Đạt, Công ty TNHH Công nghiệp dầu nhớt Valine, Cty CP 305 Hòa Bình, Cty CP Đầu tư Khoáng sản – Than Đông Bắc) đề nghị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ năm 2009 (sau khi có quy hoạch 105 và trước khi có quy hoạch 1065). Do mỏ đá Lộc Môn được quy hoạch trong Quyết định 105 là khu vực dự trữ cho công nghiệp xi măng theo tọa độ trung tâm, chưa có tọa độ khép góc, vị trí giới hạn diện tích cụ thể trên bản đồ.

Trong quá trình báo cáo đề xuất, UBND tỉnh Hòa Bình xem xét chủ trương cấp phép hoạt động khoáng sản; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở ngành có liên quan rà soát, xác định vị trí, địa điểm đề xuất thực hiện dự án của các đơn vị nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD của tỉnh; không nằm trong khu vực cấm, tàm thời cấm hoạt động khoáng sản; không nằm trong Quy hoạch 105.

Tuy nhiên, sau khi được đồng ý về chủ trương hoạt động khoáng sản, các đơn vị phải mất một khoảng thời gian từ 1 đến 3 năm hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Ngày 9/07/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch số 1065 điều chỉnh, bổ sung thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng tại Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, mỏ đá Lộc Môn được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch là khu vực dự trữ cho nhu cầu sản xuất mở rộng và đầu tư mới là 220ha. Tuy nhiên, tọa độ hiển thị tương ứng xác định trên bản đồ lại có diện tích là 373ha.

Nhận thấy các nhà máy xi măng trên địa bàn đã được cấp mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng; diện tích, trữ lượng các mỏ được cấp lớn, đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài cho công suất hoạt động của nhà máy hiện tại, hoặc nâng công suất trong tương lai mà không cần dùng đến vùng nguyên liệu dự trữ. Trong khi, để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu nguyên liệu về đá vôi làm vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng các công trình, làm đường giao thông rất cần thiết, đặc biệt tập trung tại khu vực phía nam huyện Lương Sơn.

Căn cứ Khoản b, Mục 3, Điều 1 của Quyết định số 105/2008/QĐ-UBND quy định “Trong trường hợp các mỏ khoáng sản đã được quy hoạch dự trữ cho công nghiệp xi măng nhưng nếu được sử dụng vào mục đích khác có hiệu quả cao hơn sẽ được dành cho mục đích khác”.

Tại thời điểm xác định việc cấp phép hoạt động đá vôi làm vật liệu xây dựng có hiệu quả hơn cho việc phát triển kinh tế của địa phương, trên cơ sở Luật Khoáng sản hiện hành tại thời điểm, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh.

Căn cứ Điều 2, Quy hoạch 1065, UBND tỉnh Hòa Bình đã áp dụng Điểm d, Mục 3 Điều 1 của Quy hoạch để xem xét, cấp phép hoạt động khoáng sản cho các đơn vị nêu trên sau khi quy hoạch 1065 có hiệu lực. Mặt khác, tại Quy hoạch 105, Quy hoạch 1065 không quy định hướng dẫn trong trường hợp quyết định dành cho mục đích khác có hiệu quả cao hơn trong phần quy hoạch các mỏ khoáng sản dự trữ cho công nghiệp xi măng, địa phương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dẫn đến hiện trạng các mỏ được cấp phép nằm vào quy hoạch dự trữ cho công nghiệp xi măng theo Quy hoạch 1065.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Trần Tú Chinh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho biết: “Việc cấp phép cho các mỏ này đã diến ra từ những giai đoạn trước, liên quan đến vấn đề này UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài Nguyên và Môi trường xem xét và làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng. Trong báo cáo cũng đã có nêu rõ nguyên nhân dẫn đến hiện trạng các mỏ được cấp phép nằm vào quy hoạch dự trữ cho công nghiệp xi măng theo Quy hoạch số 1065”.

Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh Hòa Bình cũng đang kiến nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét cho phép điều chỉnh các khu vực đã cấp phép nêu trên ra khỏi quy hoạch thăm dò, khai thác, dự trữ khoáng sản làm xi măng theo Quy hoạch số 1065 của Thủ tướng Chính phủ.

Kim Thoa – Thân Nam

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/hoa-binh-ly-giai-viec-cap-phep-chua-dung-tham-quyen-cho-6-don-vi-khai-thac-khoang-san-tai-nui-loc-mon.html