Hòa Bình: 'Mạnh tay' thúc đẩy chương trình 'mỗi xã một sản phẩm'

Hơn 785 tỷ đồng là tổng mức kinh phí để thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2020, định hướng 2030.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được xem là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

OCOP là chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

OCOP là chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Theo đó, với những thế mạnh sẵn có, trọng tâm của chương trình OCOP tại Hòa Bình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Đối với tỉnh Hòa Bình, xuất phát từ thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định 878/QĐ-UBND, thể hiện quyết tâm thực hiện đề án. Cụ thể, tỉnh đầu tư nguồn kinh phí thực hiện dự kiến lên đến hơn 785 tỷ đồng cho 2 giai đoạn 2019-2020 và 2021-2030. Trong đó, tính chung 2 giai đoạn, tỷ lệ vốn ngân sách chỉ chiếm 9,12%, vốn lồng ghép các chương trình khác đang thực hiện trên địa bàn chiếm 18,785% và nguồn từ các chủ thể tham gia OCOP (Doanh nghiệp, HTX, THT, Hộ kinh doanh...) chiếm 72,1%.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2020, với nguồn kinh phí hơn 121 tỷ đồng, tỉnh tập trung phát triển và triển khai chuẩn hóa 50 sản phẩm thế mạnh, thí điểm 10 sản phẩm OCOP trọng tâm gồm: Cá tôm Sông Đà TP Hòa Bình, Gà Lạc Thủy huyện Lạc Thủy, Kim chi mang huyện Lạc Thủy, Miến dong huyện Kỳ Sơn, Chè Shan tuyết TP Hòa Bình, Rượu men cao huyện Cao Phong, Cao cà gai leo huyện Yên Thủy, Dệt thổ cẩm Mai Châu huyện Mai Châu, Gỗ Lũa huyện Lương Sơn, Du lịch Bản Lác huyện Mai Châu.

Doanh nghiệp cần vào cuộc

Đối với tỉnh Hòa Bình, để thực hiện thành công Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm, có thể nhận thấy việc huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của OCOP.

Xét từ cơ cấu nguồn kinh phí thực hiện Đề án theo Quyết định 878/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình, huy động từ các đối tượng tham gia OCOP chiếm tỷ trọng lớn đến 72,1%, trong đó các doanh nghiệp có hoạt động gắn với nông nghiệp, nông thôn là rất quan trọng.

Với lợi thế về vốn, năng lực quản trị, điều hành các hoạt động sản xuất, bán hàng,…có thể nói, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là “xương sống” nâng đỡ các đối tượng khác và đảm bảo thành công cho chương trình.

Mô hình trang trại nuôi bò tập trung tại tỉnh Hòa Bình đang tạo ra điểm sáng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Tại Hòa Bình, thời gian qua đã có những doanh nghiệp đã đạt được những thành công bước đầu trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với nông nghiệp, nông thôn. Có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Giống T&T 159 với dự án trang trại nuôi bò thịt theo quy mô công nghiệp với tổng mức đầu tư lên đến 500 tỷ đồng. Được biết, mô hình trang trại này hiện đang có nuôi 1.200 con bò, trâu sinh sản và 2000 con trâu, bò bê nuôi lấy thịt.

Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp mạnh dạn đi trước, phát huy những thế mạnh của địa phương như: Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền với các sản phẩm Chè Shan tuyết, rất độc đáo, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế gắn với phát triển du lịch cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" là mô hình được học tập, vận dụng kinh nghiệm từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Phong trào này đã gắn kết được các hoạt động sản xuất với chế biến, tiêu thụ giúp tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, từ đó làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đến nay, đã có hơn 40 nước học tập và triển khai thành công mô hình này.

Lê Sáng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/hoa-binh-manh-tay-thuc-day-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-155329.html