Hòa Bình: Thu hồi hàng loạt giấy phép khai thác khoáng sản

Lý do bị thu hồi, theo UBND tỉnh Hòa Bình là do các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước hoặc hết hạn giấy phép nhưng không được cấp lại vì không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Nhiều dự án khai thác không mang lại hiệu quả bị thu hồi giấy phép. Ảnh: TG

Báo cáo về tình hình bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản gửi Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, từ năm 2007 - 2017, đơn vị đã cấp 176 giấy phép theo thẩm quyền, trong đó có 107 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Tính đến 31/12/2017, còn lại 86 giấy phép khai thác khoáng sản các loại còn hiệu lực hoạt động. Số còn lại bị UBND tỉnh thu hồi vì không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước hoặc hết hạn giấy phép nhưng không được cấp lại vì không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. 100% các dự án đầu tư mới về khai thác khoáng sản đều được xem xét, hướng dẫn lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng quy định, trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác.

Tuyên Quang: Trên 90 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực

Theo Thanh tra tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2007 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra và trên 154 cuộc kiểm tra đối với các đơn vị hoạt độngtrong lĩnh vựckhoáng sản;xử lý thu hồi 3 giấy phép,tước 7 giấy phép không thời hạn; tạm dừng khai thác 46 giấy phép để hoàn thiện hồ sơ; yêu cầu 32 đơn vị khắc phục vi phạm; lập hồ sơ, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính 33 đơn vị.

Tuyên Quang là tỉnh có khoáng sản kim loại và phi kim loại đa dạnggồm: Sắt, chì - kẽm, thiếc, mangan, antimont, barite, cao lanh - felspat... và các khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Khoáng sản được phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, những năm qua tỉnh đã cấp phép cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn trên 90 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực.

100% các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn phải được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT mới đủ điều kiện trình hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản.

Nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có ý thức, trách nhiệm BVMT, thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết BVMT (Kế hoạch BVMT) đã phê duyệt, tiến hành quan trắc, giám sát môi trường đúng với cam kết và quy định của pháp luật về BVMT.

Theo đánh giá, các dự án khai thác khoáng sản được cấp phép trên địa bàn tỉnh đã sử dụng khoảng hơn 2.000 lao động tại địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 45 triệu đồng/người/năm. Thông qua các biện pháp thu thuế tài nguyên, thu phí BVMT, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhóm dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có hiệu quả nhất.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các cơ quan có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành hàng chục văn bản quản lý Nhà nước về BVMT.

Hàng năm, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Sở TN&MT triển khai các lớp tập huấn về Luật BVMT, nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn, nâng cao hiểu biết về môi trường cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc BVMT; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai công tác chấp hành Luật BVMT của địa phương.

Kết quả kiểm tra các cơ sở khai thác khoáng sản cho thấy, từ năm 2012 - 2017, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tiến hành xử lý vi phạm về lĩnh vực khoáng sản và BVMT đối với 65 lượt cá nhân, tổ chức với tổng số tiền là 878 triệu đồng. Vẫn còn tình trạng một số cơ sở, doanh nghiệp vì lợi nhuận nên coi nhẹ việc thực hiện theo báo cáo tác động môi trường, cam kết BVMT; coi đây chỉ là một thủ tục bắt buộc phải có mà không quan tâm đến những nội dung cam kết thực hiện các biện pháp BVMT đã đưa ra.

Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản hiện nay đang sử dụng các công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, xây dựng công trình và áp dụng các hệ thống thiết bị xử lý chất thải không đảm bảo quy chuẩn môi trường. Một số cơ sở hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường chưa đúng trình tự, thời gian và số tiền ký quỹ theo quy định với số tiền chậm ký quỹ rất lớn.

42 cơ sở chưa thực hiện việc chuyển tiền ký quỹ từ tài khoản phong tỏa về tài khoản quỹ (trong đó có 15 đơn vị đang hoạt động). Do vậy, việc quản lý tiền ký quỹ và đôn đốc các đơn vị chuyển tiền ký quỹ từ tài khoản phong tỏa về tài khoản quỹ gặp khó.

Thời gian tới, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ xem xét cấp phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính thực hiện dự án, sử dụng công nghệ khai thác và trang thiết bị hiện đại để tận thu toàn bộ lượng khoáng sản được cấp phép theo thiết kế cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phục hồi môi trường sau khai thác, đảm bảo hoạt dộng khai thác không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Tăng cường giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở xây dựng công trình và áp dụng các hệ thống thiết bị xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn môi trường, thực hiện đầy đủ các cam kết BVMT trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết BVMT đã được phê duyệt, xác nhận; Lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành của dự án theo quy định.

Kiên quyết xử lý các cơ sở cố tình vi phạm, đề xuất UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ kiến nghị với Bộ TN&MT, các bộ, ngành có liên quan tăng cường bổ sung biên chế cán bộ quản lý Nhà nước về BVMT cho Sở TN&MT các địa phương trong thời gian tới.

Ưu tiên phân bổ nguồn ngân sách đầu tư xây dựng và đầu tư trang thiết bị, phương tiện nhằm đảm bảo chủ động về kỹ thuật và các điều kiện khác cho nhiệm vụ quản lý, theo dõi, đánh giá, dự báo các vấn đề về môi trường, phòng ngừa kịp thời và hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thân Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/hoa-binh-thu-hoi-hang-loat-giay-phep-khai-thac-khoang-san_t114c1159n136395