Hòa đàm Yemen được nối lại sau 2 năm: Cơ hội và Thách thức

Theo giới quan sát, vòng hòa đàm mới sẽ là một cơ hội 'hiếm có' để các bên tại Yemen thương thảo về một giải pháp hòa bình.

Vòng hòa đàm mới cho cuộc nội chiến Yemen sẽ sớm được nối lại sau khoảng 2 năm ngưng trệ, thậm chí còn có thể sẽ diễn ra ngay trong ngày hôm nay (5/12) khi mà phái đoàn đàm phán đại diện cho lực lượng Houthi đã có mặt tại Stockholm, Thụy Điển trước đó 1 ngày. Theo giới quan sát, đây sẽ là một cơ hội “hiếm có” để các bên Yemen thương thảo về một giải pháp hòa bình.

Liên Hợp Quốc bảo trợ đàm phán hòa bình ở Yemen. Ảnh: Skynewsarabia.

Đích thân Đặc phái viên Martin Griffiths đã tới thủ đô Sana’a, Yemen để đi cùng phái đoàn Houthi tới Thụy Điển. Đây là một bước đi xây dựng lòng tin “đáng chú ý” của vị quan chức Liên Hợp Quốc khi ông đang nỗ lực đưa các bên Yemen trở lại bàn đàm phán sau một thời gian dài ngưng trệ.

Phát biểu trước khi lên máy bay tới Thụy Điển, ông Abden Meguid Hanash - một quan chức trong phái đoàn Houthi cho biết: “Mọi điều chúng tôi được hứa đều được thực hiện. Trước tiên là việc đảm bảo an toàn cho phái đoàn Houthi đến Thụy Điển và trở về Yemen sau đàm phán. Ông Griffiths đã đến cùng chúng tôi và cũng sẽ đưa chúng tôi trở về. Ngoài ra, việc trao trả tù bình giữa các bên cũng đã được ông ấy thúc đẩy. Tôi cũng hi vọng, Đặc phái viên có thể đặt ra một khuôn khổ cho quá trình đàm phán hợp lý cho các bên, để đạt được sự tiến bộ về một giải pháp chính trị”.

Đến với Thụy Điển lần này, phái đoàn Houthi đã không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để đàm phán. Hồi tháng 11/2018, lực lượng Houthi còn tuyên bố sẽ ngừng tấn công tên lửa nhằm vào các nước thành viên Liên quân Arab như một cử chỉ thiện chí trước vòng đàm phán. Theo giới chức Houthi, mọi thứ đều có thể thương lượng và họ sẽ không tránh né bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào trong vòng đàm phán lần này.

Về phần mình, chính phủ của Yemen cho biết, đại diện của họ sẽ tới Thụy Điển trong ngày 5/12 từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Trước đó, phái đoàn chính phủ Yemen tuyên bố sẽ chỉ đến Thụy Điển khi lực lượng Houthi có mặt tại đây trước, do lo ngại lực lượng đối lập này vẫn sẽ không tới đàm phán vào phút chút như hồi tháng 9 vừa qua, khiến kế hoạch hòa đàm tại Geneve lúc bấy giờ đỗ vỡ.

Ngoài ra, một tín hiệu “tích cực” nữa cho thấy nỗ lực của các bên dành cho vòng hòa đàm lần này, chính là việc Chính phủ Yemen, cùng liên quân Arập hậu thuẫn, hôm 3/12 vừa qua, đã cho phép máy bay chở khoảng 50 thành viên Houthi bị thương tới Oman chữa trị. Một số nguồn tin cho biết, vòng hòa đàm mới sẽ được tiến hành ngay lập tức khi cả hai bên đối địch Yemen có mặt tại Thụy Điển.

Tuy nhiên, việc tới đàm phán là một chuyện, còn có đạt được kết quả tiến bộ hay không lại là một câu chuyện khác. Đánh giá về vòng hòa đàm lần này, Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất – một trong những quốc gia Arab tham chiến chính tại Yemen cho biết, đây là “cơ hội then chốt” để đem lại hòa bình cho quốc gia vốn đã 4 năm chìm trong xung đột này.

Ngoài mục tiêu tìm kiếm giải pháp hòa bình cuối cùng, tại vòng hòa đàm này, các bên Yemen dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận về các bước đi xây dựng lòng tin với nhau như việc mở cửa không phận cho sân bay quốc tế Sanaa do Houthi kiểm soát, thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại thành phố Cảng Hodeidah, trao đổi tù binh, chia sẻ các hoạt động nhân đạo quốc tế.

Giới quan sát cho rằng, hiện đã là thời điểm “chín muồi” để kế thúc cuộc nội chiến ở Yemen khi mà sự bế tắc trong việc can dự quân sự của Liên quân Arập thực tế đã không thể mang lại bất kỳ sự tiến bộ nào cho Yemen trong những năm qua. Thay vào đó là việc 3/4 dân số quốc gia Trung Đông này, tương đương 14 triệu người đang phải sống dựa vào viện trợ nhân đạo. Cùng với việc nhiều dân thường thương vong, thảm hỏa nhân đạo tồi tệ, dịch bệnh tràn lan tại Yemen, cộng đồng quốc tế đã nhiều lần chỉ trích việc can dự quân sự của Liên quân Arab và gây sức ép lên các bên tham chiến ở Yemen phải trở lại bàn đàm phán.

Đặc biệt, sau vụ nhà báo Saudi Arabia Khashoggi bị giết hại, các nước Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã tạm ngừng xuất khẩu vũ khí cho chính quyền Riyadh. Cùng với áp lực từ phía đồng minh Mỹ, Saudi Arabia dường như cũng đang muốn thoát ra khỏi sự sa lầy ở cuộc chiến tại Yemen để khôi phục danh tiếng cho mình./.

Đình Nam/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/hoa-dam-yemen-duoc-noi-lai-sau-2-nam-co-hoi-va-thach-thuc-847612.vov