Hoa Đất Mường – hội tụ các sản phẩm OCOP của Hòa Bình

Sau nhiều lần đi công tác, nhận thấy địa phương mình có rất nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng nhưng lại chưa biến thành những gói quà mang thương hiệu để quảng bá rộng rãi được, chị Hoàng Việt Hà đã nảy ra ý tưởng, cần phải hội tụ tất cả các sản phẩm đó lại và đặt tên thành 'Hoa Đất Mường'.

Gian trưng bày sản các sản vật Hoa Đất Mường tại Khách sạn CoLaNi, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Gian trưng bày sản các sản vật Hoa Đất Mường tại Khách sạn CoLaNi, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Và thương hiệu Hoa Đất Mường ra đời giống như tên một bản nhạc, nhưng lại là sản vật nông sản của các địa phương được đóng gói thành những túi quà tặng thân thiện, giới thiệu cho các quan khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến Hòa Bình.

Hoa Đất Mường đã hội tụ được hơn 100 sản phẩm nông nghiệp OCOP, hữu cơ, Vietgap của tỉnh Hòa Bình mang đậm bản sắc xứ Mường gồm: Cao cà Gai Leo, cao Xạ Đen, Trà Tam thất, Giảo Cổ Lam, Trà Chanh đào mật ong, khăn thổ cẩm Chiềng Châu, khăn Piêu, mứt Cam, miến, măng…

Các sản phẩm đều có tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, trở thành những gói quà thân thiện của khách gần xa khi đến Hòa Bình. Đồng thời cũng là những túi quà để lãnh đạo tỉnh tặng các đại biểu mỗi khi có hội nghị trong và ngoài tỉnh.

Sản vật Hoa Đất Mường được trưng bày tại các hội nghị lớn của tỉnh Hòa Bình.

Chị Hoàng Việt Hà chia sẻ, Hoa Đất Mường là hội tụ của tất cả các sản vật OCOP được đóng thành các túi quà, qua đó bà con các hợp tác xã làm ra sản phẩm được đến gần với khách hàng hơn và đặc biệt giới thiệu với khách du lịch về những sản vật đặc trưng của tỉnh và bản sắc văn hóa dân tộc.

Hoa Đất Mường đã có mặt ở các hội chợ thương mại giới thiệu sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Cô Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bản Dao, phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình cho biết: "Hợp tác xã chúng tôi sản xuất ra các sản phẩm tinh dầu, măng, mía… Các sản phẩm đều có mặt ở Hoa Đất Mường. Hoa Đất Mường đã tiêu thụ giúp chúng tôi hàng nghìn sản phẩm. Đây là cơ hội của những người dân lao động quảng bá bán sản phẩm của mình ra ngoài tỉnh Hòa Bình.

Tỉnh Hòa Bình đang phát triển sản phẩm OCOP kết hợp du lịch bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển bền vững cho địa phương.

Tỉnh Hòa Bình xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Để tìm giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này, việc đa dạng các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản vùng miền, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP và đưa vào các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đã được tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện và bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình..

Đến nay, toàn tỉnh có 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng từ 3 sao, 4 sao và 5 sao. Sản phẩm đã khẳng định giá trị, chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và ưu tiên sử dụng, gồm nhiều chủng loại khác nhau như: Dệt thổ cẩm, các mặt hàng nông sản, dược liệu...

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, góp phần làm phong phú dịch vụ du lịch, từ đó giúp nâng tầm sản phẩm OCOP, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Chính vì vậy, mô hình này cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để thực hiện có hiệu quả cao trong thời gian tới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoa-dat-muong-hoi-tu-cac-san-pham-ocop-cua-hoa-binh-post748684.html