Hóa giá tài sản công và lớp đại gia thân hữu tại Nga

Quá trình tư nhân hóa ở nước Nga những năm 90 đã không thành công, nếu không nói là thất bại khi nó đã biến tài sản công thành tài sản tư gây thất thoát nặng nề cho Nhà nước.

Giới kinh tế trên thế giới đã quá quen thuộc với những cái tên như Boris Berezovsky, Mikhail Khodorkovsky, Mikhail Prokhorov hay Roman Abramovic. Có người xem họ là những nhà tiên phong trong nền kinh tế Nga hậu Xô viết, người khác lại cáo buộc họ gây bao hậu quả nặng nề cho đất nước.

Hiện tại những “người giàu đầu tiên” của Nga có số phận rất khác nhau: người vẫn tiếp tục giàu, kẻ phải lưu vong hoặc ngồi sau song sắt. Dù thế nào thì cách làm giàu của họ cũng phù hợp với danh xưng Oligarch - cụm từ được dùng để đại diện cho nhóm thiểu số thao túng tại Nga.

Hồi cuối thập niên 1980, Berezovsky đã chạy chọt để có được gói thầu trang bị hệ thống điều khiển máy tính tự động cho Công ty xe hơi Avtovaz, vốn thuộc sở hữu của nhà nước. Tiếp đến, Berezovsky được ưu tiên mở một đại lý bán xe của Avtovaz. Bằng cách tận dụng các chính sách ưu đãi, ông này đã nhanh chóng kiếm được hàng triệu USD. Nguồn: Sưu tầm

Quá trình tư nhân hóa ở nước Nga thời kỳ 1991-1998 đã không mang lại thành công, nếu không nói là thất bại khi đã biến các tài sản công thành tài sản tư gây thất thoát nặng nề cho nhà nước.

Khảo sát năm 1993 cho thấy 74% số người được hỏi cho rằng kết quả của tư nhân hóa là phần lớn tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước được sang tay cho một nhóm số ít mà không phải cho các tầng lớp dân cư rộng rãi. Một phần sở hữu Nhà nước đáng kể đã rơi vào tay các cá nhân có quan hệ mật thiết với các tổ chức tội phạm, hoặc với các nhóm quan chức trong hệ thống quản lý.

Trong quá trình tư nhân hóa, sự câu kết có tổ chức của tội phạm với nhóm quan chức tham nhũng đã thao túng ngay từ khâu hoạch định chính sách và tác động vào cả lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xăng dầu và thị trường chứng khoán, nên chỉ trong thời gian ngắn đã hình thành tầng lớp chủ tư hữu, tài phiệt lớn lũng đoạn nền kinh tế.

Theo trang Leadership Biographies, tỷ phú Abramovic bị cho là từng bán đồ chơi nhập lậu ở Moscow.

Berezovsky và một số người khác thì bắt đầu làm giàu bằng cách dùng quan hệ với chính quyền để mua sản phẩm với giá bao cấp cực rẻ để bán lại với giá thị trường.

Khodorkovsky, từng là Phó bí thư Đoàn thanh niên của Viện Khoa học kỹ thuật Mendeleev, cùng đồng sự lập Ngân hàng Menatep năm 1989.

Vladimir Potanin rời chức vụ tại Bộ Ngoại thương để cùng Mikhail Prokhorov lập Ngân hàng Uneximbank và Công ty tài chính Interros trong khi Ngân hàng Alfa Bank ra đời năm 1990 dưới tay Mikhail Fridman. Theo một số cáo buộc, các ngân hàng này còn là nơi “rửa tiền” của các quan chức ra sức vơ vét tài sản Nhà nước trong thời kỳ mà mọi thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Trong cuộc bầu cử tổng thống 1996, dưới sự dẫn dắt của Berezovsky và Gusinsky, những người đã nắm luôn các kênh truyền thông lớn, nhóm tỷ phú tung mọi nguồn lực để bảo đảm ông Yeltsin tái đắc cử. Một mặt là bảo vệ quan hệ với chính quyền, mặt khác, nếu ứng viên Gennady Zyuganov mà chiến thắng thì thỏa thuận đấu giá nói trên sẽ bị hủy bỏ và mọi đầu tư coi như đổ sông đổ biển, theo BBC.

Kết quả là ông Yeltsin làm chủ Điện Kremlin thêm 4 năm và một thế hệ tài phiệt giàu có đến không tưởng về cả tiền bạc lẫn ảnh hưởng chính trị chính thức ra đời.

Khodorkovsky từng thân cận với Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Nguồn: Sưu tầm.

Ngay từ đầu công cuộc tư hữu hóa ở Nga đã gây nhiều tranh cãi. Các nhà cải cách đứng trước hai lựa chọn. Một là tiến hành tư hữu hóa từ từ, từng bước, trao tài sản vào tay chủ sở hữu mới, thực sự sử dụng tài sản hiệu quả, với giá cao nhất có thể. Hai là, tiến hành tư hữu hóa “chớp nhoáng”, nhanh chóng, phân phát không tài sản quốc hữu cho toàn dân.

Dĩ nhiên, ai cũng hiểu cách làm thứ nhất sẽ mang lại cho quốc gia nhiều lợi ích hơn, nhưng nó lại đòi hỏi thời gian và một hệ thống chính trị ổn định. Cả hai thứ mà vào thời điểm đó (1990-1991) nước Nga non trẻ đều không có.

Dưới nhiều áp lực về kinh tế, chính trị, thậm chí không ngoại trừ động cơ cá nhân và tác động mạnh mẽ của bên ngoài, các nhà cải cách trẻ ở Nga đã quyết định lựa chọn phương án hai.

Kết quả là từ năm 1992-1994 trên toàn Nga đã có 125.514 doanh nghiệp Nhà nước đăng ký tư nhân hóa, trong đó đã thực hiện chuyển đổi sở hữu được 88.814 doanh nghiệp. Nhà nước thu về 760 tỷ rúp (tương đương - 3.7 tỷ USD với giá cuối năm 1992) - một con số quá ít ỏi so với giá trị thực của tổng tài sản đã đưa ra chào bán.

Sở hữu của Nhà nước được chia nhỏ cho một nhóm người, tạo nên một giới kinh tế thượng lưu bao gồm các nhà tài phiệt và các ông trùm kinh tế “đen”. Chênh lệch trong thu nhập giữa tầng lớp giàu - nghèo có lúc lên đến hàng nghìn lần (1.360 lần theo số liệu năm 1997).

Việc hóa giá các tài sản quốc gia, cố tình tạo quá trình phá sản ảo để giảm giá thành các nhà máy, tổ hợp kinh tế Nhà nước đã trở thành bước đi quen thuộc của quá trình tư hữu hóa.

Ví dụ: tập đoàn khí đốt lớn nhất thế giới ROS “Gazprom” được định giá khoảng 300 tỷ rúp (tương đương 12 tỷ USD) trong khi giá của công ty Mỹ tương đương Chevron Corp. là 123 tỷ USD.

Tương tự, ngân hàng tín dụng Sberbank, với hàng nghìn chi nhánh trên khắp nước Nga được định giá 230 triệu USD, trong khi chi phí ngân hàng này bỏ ra để xây dựng trụ sở chính tại đường 60 năm Cách mạng tháng 10, Matxcơva (chỉ là một trong hàng nghìn trụ sở) đã vượt quá con số 300 triệu USD.

Kết cục tất yếu của quá trình này là toàn bộ số lợi tức từ sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Nga tập trung trong tay các nhà tài phiệt, các tập đoàn tài chính thân Chính phủ hoặc các tổ chức kinh tế “đen” – lực lượng này chiếm khoảng 7-10% dân số nước Nga.

V.Thùy

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hoa-gia-tai-san-cong-va-lop-dai-gia-than-huu-tai-nga-post844814.html