Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Thiệt hại ra đi, hòa khí ở lại

'Thông thường một vụ việc đưa ra giải quyết theo tố tụng sẽ cần một khoảng thời gian nhất định, chưa kể đương sự lẩn tránh hoặc qua nhiều cấp xét xử. Rồi đến giai đoạn đưa ra thi hành án với rất nhiều khó khăn cuối cùng mới thu hồi được nhỏ giọt'.

Ông Vinh cho biết, SHB là đơn vị từng có và đang có một số việc phải xử lý nợ xấu. Vừa qua, trong đợt thí điểm hòa giải, đối thoại tại các Trung tâm hòa giải ở Hải Phòng, SHB cũng được giải quyết xong một số việc.

Chẳng hạn vụ việc xử lý nợ tại huyện An Dương với dư nợ của một khách hàng là hơn 150 tỷ, vụ việc lại hết sức phức tạp. Nếu vụ việc đó giải quyết theo tố tụng bình thường thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém các chi phí án phí, chi phí giám định tài sản… Nhưng với chủ trương của lãnh đạo ngân hàng luôn tôn trọng và đề cao vị trí của công tác hòa giải, với kinh nghiệm của các Hòa giải viên nên vụ việc này đã nhanh chóng có kết quả. Các bên đã tìm được tiếng nói chung để cùng giải quyết khoản nợ theo quy định mà không tốn kém về kinh phí và thời gian.
Ông Vinh chia sẻ, thông qua hòa giải đạt được sự tự nguyện, sự thiện chí hợp tác của các bên để cùng giải quyết. Vấn đề này các Hòa giải viên đã làm được bằng kinh nghiệm, với trách nhiệm cao. Và khi hòa giải thành thì hòa khí của các bên “ở lại”, vừa giải quyết tốt việc đang tồn tại mà còn tiếp tục mở ra những quan hệ làm ăn kinh tế tốt đẹp.

Việc giải quyết thông qua hòa giải tại Trung tâm hòa giải sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và đương nhiên càng thu hồi vốn nhanh thì chu trình luân chuyển vốn càng nhanh, hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn. Hay nói cách khác, thiệt hại được giảm thiểu, thậm chí không xảy ra mà lợi ích thì đem lại rõ ràng. Vấn đề tạm ứng án phí cũng là một điều đáng quan tâm. Theo ông Vinh, với những vụ khởi kiện hàng trăm tỷ, số tiền tạm ứng án phí là không nhỏ, nhất là trong khi nợ chưa thu được lại phải chi ra tiền tạm ứng là một bất cập trong kinh doanh.

Là người trực tiếp làm công tác xử lý nợ xấu của ngân hàng, ông Vinh rất mong muốn các Trung tâm hòa giải phát triển tốt, giúp cho ngân hàng giải quyết công việc thu hồi nợ nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí, vừa giữ được hòa khí cho các bên hợp tác lâu dài, cùng có lợi.

Đó là chuyện tranh chấp công nợ, tiền bạc của ngân hàng với doanh nghiệp, còn chuyện hòa giải “hàn gắn vết thương” cho các gia đình cũng không thiếu. Ví như chuyện hai hộ dân liền kề có tranh chấp đất đai không giải quyết được do bất đồng quan điểm, nảy sinh mâu thuẫn qua nhiều năm. Sự việc đã được thay đổi khi Hòa giải viên vào cuộc kịp thời, gặp gỡ, phân tích, giúp các hộ dân ngồi lại đối thoại với nhau.

Theo hồ sơ, gia đình bà Phạm Thị Tính (ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) đang sử dụng 636m2 đất thổ cư (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) tại thôn Kỳ Vỹ Thượng, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng. Liền kề với mảnh đất của bà Tính là mảnh đất của cụ Phạm Châu Mây. Những năm trước, giữa hộ gia đình bà Tính và cụ Mây sử dụng đất ổn định, không xảy ra tranh chấp.

Tuy nhiên, đến năm 2018, cụ Mây qua đời, mảnh đất của cụ để lại cho ông Phạm Văn Đình quản lý, sử dụng. Quá trình sử dụng, phía ông Đình cho rằng, mảnh đất mà cụ Mây để lại có một phần diện tích lấn sang bên mảnh đất của gia đình bà Tính. Cũng từ đây, giữa gia đình bà Tính và ông Đình bắt đầu xảy ra tranh chấp về ranh giới đất. Sau đó, ông Đình tiến hành chặt cây cối trên phần đất giáp ranh giữa hai gia đình và ngăn không cho bà Tính xây tường bao. Việc tranh chấp khiến mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày càng căng thẳng, có nguy cơ xảy ra xô xát mất tình cảm xóm làng.

Để giải quyết tranh chấp, bà Tính đã nhiều lần đề nghị UBND xã Quang Phục can thiệp, giải quyết nhưng không thành. Sau đó, bà Tính đã làm đơn khởi kiện đề nghị TAND huyện Tiên Lãng giải quyết tranh chấp về đất đai giữa gia đình bà và gia đình ông Đình.

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, TAND huyện Tiên Lãng (Tp Hải Phòng) đã chuyển đơn của bà Tính đến Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng thụ lý và phân công Hòa giải viên Nguyễn Hữu Bình (Bí thư Chị bộ 1, thị trấn Tiên Lãng) tiến hành hòa giải. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, Hòa giải viên đã mời người khởi kiện và người bị kiện đến làm việc, trao đổi để làm rõ hơn nội dung hai bên đang tranh chấp và nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của các đương sự.

Sau khi có phương án hòa giải, Hòa giải viên đã mời hai bên đến làm việc, tiến hành hòa giải lần 1 nhưng chưa giải quyết được do các bên còn bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, Hòa giải viên đã kiên trì phân tích để những người tham gia hòa giải hiểu được giá trị của việc hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự. Từ đó, hòa giải viên đưa ra hướng hòa giải bằng tình cảm, trên cơ sở tuân thủ, áp dụng các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích công bằng cho hai bên có tranh chấp.

Trước sự kiên trì truyết phục của Hòa giải viên, hai bên có tranh chấp đã trở lại làm việc và tham gia hòa giải lần 2 tại Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng. Tại lần hòa giải này, hai bên đương sự đã thống nhất được phương án giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng đề xuất của Hòa giải viên, trên tinh thần cởi mở, tự nguyện.

Ngay sau khi kết thúc buổi hòa giải, người khởi kiện đã đồng ý rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Trên cơ sở kết quả hòa giải, Tòa án đã ra thông báo trả lại đơn cho người khởi kiện, hai bên đương sự đã cảm thông, chia sẻ với nhau vui vẻ không còn mâu thuẫn căng thẳng, không ai có khiếu nại hay kiến nghị về vụ việc trên.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Hòa giải viên Trung tâm hòa giải huyện Tiên Lãng cho biết, đây là vụ việc phức tạp, hai bên đương sự rất căng thẳng không chịu chia sẻ với nhau. Với quyết tâm giải quyết bằng được vụ việc, sau khi được phân công nhiệm vụ, ông đã chủ động nghiên cứu hồ sơ vụ việc và các quy định của pháp luật về đất đai, sau đó trực tiếp xuống cơ sở để gặp gỡ, trao đổi, nghe tâm tư, nguyện vọng của hai bên đương sự. Khi có phương án hòa giải, ông hướng dẫn hai bên có tranh chấp cùng đối thoại, hòa giải bằng tình cảm, trên cơ sở tuân thủ và áp dụng các quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích công bằng cho cả hai bên.

Nhóm PVTS

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/trao-doi-nghiep-vu/hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-thiet-hai-ra-di-hoa-khi-o-lai-22996.html