Hóa giải những khác biệt

Tại cuộc hội đàm lần đầu với người đồng cấp Pháp E.Ma-crông, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm khẳng định quan hệ Mỹ - Pháp không thể bị phá vỡ. Chuyến thăm Pháp của Tổng thống Đ.Trăm được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm giải tỏa những khúc mắc và thu hẹp quan điểm khác biệt với đồng minh bên kia Đại Tây Dương, liên quan các vấn đề thương mại, nhập cư và chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Đ.Trăm tới Pa-ri trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ với Pháp và Liên hiệp châu Âu (EU) không thuận lợi, thậm chí xuất hiện những quan ngại về triển vọng quan hệ đồng minh, đối tác giữa hai bờ Đại Tây Dương. Chủ trương “nước Mỹ trước hết” của Tổng thống Đ.Trăm, cùng các động thái của Nhà trắng khiến EU lo ngại có thể khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ, cản trở hợp tác quốc tế, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nhiều vấn đề toàn cầu rất cần các nỗ lực chung mới có thể giải quyết.

Một loạt chính sách của “tân chủ nhân” Nhà trắng, nhất là liên quan vấn đề thương mại, nhập cư và chống biến đổi khí hậu, càng khiến châu Âu không hài lòng, điển hình là các sắc lệnh hạn chế tiếp nhận người nhập cư và tị nạn, rút Mỹ khỏi Hiệp định Pa-ri về chống biến đổi khí hậu... Hay, những bình luận về đề xuất bất thường của lãnh đạo Mỹ cũng khiến các đồng minh châu Âu trong NATO bất bình. Những tuyên bố và cảnh báo cứng rắn từ phía các đồng minh châu Âu đối với các chính sách mới của Nhà trắng, cùng những khúc mắc và khác biệt quan điểm đặt quan hệ giữa hai bên trước nguy cơ suy giảm, thậm chí đẩy Mỹ vào thế bị cô lập.

Trong khi đó, Chính quyền mới ở Mỹ vẫn đang trong tiến trình hoàn tất chính sách đối ngoại, dù đề cao lợi ích quốc gia, ưu tiên người lao động và doanh nghiệp Mỹ, Tổng thống Đ.Trăm cũng không thể lơ là việc chăm chút cho các mối quan hệ đồng minh, đối tác truyền thống và lâu đời của Oa-sinh-tơn. Ấy là chưa kể, ông phải tiếp quản từ người tiền nhiệm một mối quan hệ không suôn sẻ với Nga, Trung Quốc và cả sự phức tạp, giằng co lợi ích trong các mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác ở Trung Đông. Cùng với đó, Mỹ vẫn lún sâu trong các cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, Xy-ri và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Những yếu tố này càng thúc đẩy nhà lãnh đạo Mỹ tìm kiếm “làn gió mới” nhằm giải tỏa bế tắc trong nhiều vấn đề toàn cầu mà Oa-sinh-tơn can dự.

Trong bối cảnh ấy, có thể thấy, thăm Pháp, quốc gia vừa có nhà lãnh đạo mới, trẻ tuổi và cởi mở, chủ trương ủng hộ hội nhập châu Âu và hợp tác quốc tế, được nhìn nhận là lựa chọn thích hợp của Tổng thống Đ.Trăm. Giới phân tích châu Âu cho rằng, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn hiểu rằng, mối quan hệ lịch sử, gắn bó lâu đời giữa Mỹ và Pháp, Mỹ và châu Âu không dễ bị phá vỡ. Điều này đã được Tổng thống Đ.Trăm khẳng định trong cuộc hội đàm tại Điện Ê-li-dê với người đồng cấp Pháp E.Ma-crông. Việc ông Trăm tham dự lễ diễu binh kỷ niệm Quốc khánh Pháp trên đại lộ Sam Ê-li-dê cũng mang ý nghĩa biểu tượng cao, khẳng định Mỹ luôn coi Pháp là đồng minh chiến lược, đối tác hàng đầu trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Với Pháp, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ cũng được xem là kịp thời và thích hợp, trong bối cảnh Pa-ri đang chật vật chống chọi nạn khủng bố, rất cần sự hậu thuẫn của “những người bạn hùng mạnh”. Với chuyến thăm của nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới, Pháp muốn gửi đi thông điệp Pa-ri là đồng minh gắn bó của Oa-sinh-tơn; trong tư thế của một cường quốc bậc trung trên thế giới, Pháp sẵn sàng đi tiên phong trong các nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bởi thế, Pháp cần sự ủng hộ của Mỹ trong các chiến lược chống khủng bố rộng lớn hơn, hợp tác chống biến đổi khí hậu và giải quyết khủng hoảng ở Xy-ri. Qua đó, Pháp có thể tăng cường vị thế lãnh đạo trong EU.

Có thể, những khúc mắc và khác biệt giữa Mỹ và Pháp chưa thể được hóa giải chỉ trong một chuyến công du. Nhưng ít nhất, đây là cơ hội vàng để hai nước chia sẻ và thấu hiểu các quan điểm chính sách của nhau, tránh những va chạm ảnh hưởng tiêu cực sự phát triển của mối quan hệ đồng minh chiến lược.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/33471502-hoa-giai-nhung-khac-biet.html