Ấn Độ đau đầu trước vấn nạn tham nhũng

Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch Thế giới (TI) công bố, Ấn Độ giảm 2 bậc, duy trì mức 40/100 (thấp hơn mức trung bình thế giới 3 điểm), đứng thứ 130/189 quốc gia về chỉ số thuận lợi kinh doanh (EBDI - Ease of Doing Business Index) do Ngân hàng Thế giới công bố.

Tham nhũng đã mang tính hệ thống, tấn công vào tận gốc rễ trong phát triển của Ấn Độ. Ảnh minh họa

Tham nhũng đã mang tính hệ thống, tấn công vào tận gốc rễ trong phát triển của Ấn Độ. Ảnh minh họa

Nhìn chung, ở Ấn Độ, vấn nạn tham nhũng đã mang tính hệ thống, tấn công vào tận gốc rễ của sự phát triển ở Ấn Độ, xuất phát từ kẽ hở trong hệ thống tư pháp. Năm 2013, Chính phủ đơn phương phê duyệt dự thảo Luật Chống tham nhũng (Lok Pal) không cần tham vấn từ phe đối lập, khiến Tòa án tối cao phải lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ dự thảo luật. Năm 2015, bản sửa đổi Luật Bảo vệ người tố giác được thông qua cũng bị xem là làm sai lệch ý nghĩa của chính sách này khi quy định người tố giác cũng có thể bị truy tố.

Luật Chống tham nhũng gây khó dễ với các tổ chức phi Chính phủ có nguồn vốn nước ngoài. Giới phân tích cho rằng luật này hậu thuẫn Chính phủ triệt tiêu luồng ý kiến và lập lờ nguồn tài chính của các đảng đối lập. Trái lại, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lại cho những tín hiệu khả quan hơn dù không có các bộ luật điều chỉnh hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhân, song các công ty Ấn Độ buộc phải cung cấp thông tin tài chính về các công ty con theo quy định. Do vậy, mức độ minh bạch về tài chính của các công ty Ấn Độ được đánh giá cao hơn hẳn các công ty trong khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Chính phủ Ấn Độ chưa đạt được thành công nào từ các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thậm chí còn đối diện với nhiều vấn đề đau đầu hơn, nhất là trước thềm cuộc bầu cử vào đầu năm 2019, mà một trong số đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ đang ở mức thấp nhất kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi nắm quyền năm 2014.

Để trở thành điểm đến số 1 cho các quỹ đầu tư nước ngoài và là nơi an toàn cho các doanh nghiệp phát triển, Ấn Độ cần ưu tiên tiến hành sửa đổi chính sách bảo vệ người tố giác tội phạm, trao quyền tự chủ cho cơ quan giám sát chống tham nhũng trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Việc hạn chế tham nhũng sẽ cải thiện đáng kể hình ảnh của Ấn Độ, vì vậy Chính phủ phải nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là trong khu vực công.

Võ Như Uyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/an-do-dau-dau-truoc-van-nan-tham-nhung_t114c52n131513