Hoa hậu Ngọc Hân đảm nhận vai trò mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Sáng nay (11/5), Ngọc Hân thu hút sự quan tâm của giới truyền thông khi xuất hiện trong buổi buổi tọa đàm 'Art Talk: Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân' với vai trò đặc biệt: Cố vấn chiến lược truyền thông của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sự kiện nằm trong chuỗi triển lãm Đường lên Điện Biên, diễn ra từ ngày 26/4 đến hết ngày 15/5/2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

“Tôi cảm thấy vui và vinh dự khi được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trao cho nhiệm vụ quan trọng để đồng hành cùng mọi người trong việc quảng bá những hoạt động nghệ thuật của bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Đây cũng là cơ hội tốt để tôi có thêm những trải nghiệm thực tế, tích lũy kiến thức về Mỹ thuật hiện đại. Bản thân tôi đã có hơn 2 năm kinh nghiệm tổ chức các triển lãm tranh tại Đà Lạt nên tôi có chút tự tin rằng, mình sẽ làm tốt ở vai trò mới này", Ngọc Hân chia sẻ.

Ngọc Hân và Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trước sự kiện.

“Art Talk: Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân" vào sáng 11/5 là sự kiện đầu tiên mà Hoa hậu Việt Nam 2010 xuất hiện ở vai trò Cố vấn chiến lược truyền thông. Người đẹp cho biết, cô cùng BTC đã có 10 ngày làm việc để chuẩn bị cho chương trình. Hôm qua (10/5) cô ở lại đến đêm muộn và sáng nay có mặt từ sớm, cùng các thành viên kiểm tra mọi khâu cuối cùng cho sự kiện.

Triển lãm Đường lên Điện Biên là lời tri ân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tới những họa sĩ, nhà điêu khắc đã mang đến cho công chúng một khí thế Điện Biên hào hùng và đầy cảm xúc qua các tác phẩm nghệ thuật, trong đó không thể không kể đến họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân, cánh chim đầu đàn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của họa sĩ Tô Ngọc Vân và 80 năm ra đời tác phẩm bảo vật quốc gia "Hai thiếu nữ và em bé" (1944). Họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh gần chiến trường Điện Biên Phủ (1954) và hành trang ông để lại lúc hy sinh là những bức ký họa về cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta, mà một phần trong số đó được trưng bày tại triển lãm.

Hoa hậu cảm thấy may mắn khi được gặp gỡ, trò chuyện với con gái của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân tại sự kiện.

Ngọc Hân thổ lộ, cô từng học và nghiên cứu về họa sĩ Tô Ngọc Vân từ những năm tháng còn là sinh viên của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nhưng hôm nay được ngắm lại nhiều tác phẩm của cố họa sĩ trong dịp đặc biệt, cô có rất nhiều cảm xúc. Người đẹp còn có cơ hội lắng nghe những chia sẻ từ gia đình, các nhà nghiên cứu và học trò của cố họa sĩ; điều đó giúp cô hiểu hơn về tài năng và sự đóng góp của Tô Ngọc Vân cho nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Họa sĩ Ngọc Linh (ở giữa) - học trò của danh họa Tô Ngọc Vân.

Triễn lãm đã thu hút đông đảo khán giả thưởng lãm.

Bên cạnh trưng bày các tác phẩm của cố họa sĩ Tô Ngọc Vân, trong đó có bảo vật quốc gia "Hai thiếu nữ và em bé", triển lãm Đường lên Điện Biên còn giới thiệu nhiều tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ khác về chiến thắng Điện Biên Phủ. Với phương pháp trưng bày truyền thống, kết hợp ứng dụng công nghệ trình chiếu cinemagraph và không gian tương tác trải nghiệm, triển lãm đã làm sống lại những khoảnh khắc của Điện Biên Phủ năm xưa.

Ngọc Hân ngắm tác phẩm bảo vật quốc gia 'Hai thiếu nữ và em bé' của Tô Ngọc Vân tại triển lãm.

Từ sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2010, Ngọc Hân là một trong số ít Hoa hậu có nhiều hoạt động tích cực đóng góp cho cộng đồng từ các chương trình thiện nguyện đến bảo vệ môi trường, quảng bá văn hóa truyền thống ra thế giới… Mặc dù bận rộn công việc kinh doanh thương hiệu áo dài riêng nhưng những năm gần đây, người đẹp không ngừng thử thách bản thân ở lĩnh vực mới. Hơn hai năm qua, cô chăm chỉ cùng các cộng sự tổ chức 11 triển lãm khác cho nhiều họa sĩ cũng tại thành phố Đà Lạt, thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham gia.

Đặc biệt, triển lãm “Nhìn lại" của họa sĩ Bùi Văn Tuất tạo tiếng vang lớn khi toàn bộ 46 bức tranh được bán hết trong vòng 2 ngày kể từ khai mạc. Hồi tháng 3/2024, cô cũng góp phần giới thiệu đến công chúng tranh 12 con giáp chưa từng được công bố của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Không chỉ nỗ lực kết nối các họa sĩ, nhà sưu tầm đến gần hơn với khán giả, Ngọc Hân còn hỗ trợ các tài năng trẻ của lĩnh vực mỹ thuật khi tổ chức Art Trail (trại sáng tác) vào tháng 10 năm ngoái.

Mới đây, Ngọc Hân đã thi đỗ khóa đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh năm 1906, tại Hà Nội. Ông học khóa II Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1931). Ông là họa sĩ tài năng, nằm trong bộ tứ danh họa hàng đầu Việt Nam “Trí - Vân - Lân - Cẩn” (Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn), nổi tiếng với những tác phẩm sơn dầu, sơn mài, lụa…

Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên tiếp thu nghệ thuật phương Tây một cách sáng tạo, có kế thừa truyền thống dân tộc để tạo nên những tác phẩm chất lượng cao. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Thuyền trên sông Hương”, “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Thiếu nữ bên hoa sen”... và đặc biệt bức “Thiếu nữ và hai em bé” của ông được công nhận là bảo vật quốc gia (2013), hiện đang nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tô Ngọc Vân cũng là một trong những người đặt nền móng cho ngành lý luận phê bình mỹ thuật, góp phần đào tạo nhiều họa sĩ tài danh thuộc thế hệ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Trong những ngày tháng ác liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những người trực tiếp lên đường ra trận, tham gia chiến dịch và ghi lại nhiều khoảnh khắc sinh động về cuộc sống, chiến đấu của quân dân ta. Ông hy sinh năm 1954, gần chiến trường Điện Biên Phủ.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật và là liệt sĩ đầu tiên của giới nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Ảnh: Vũ Toàn

Khánh Minh

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/hoa-hau-ngoc-han-dam-nhan-vai-tro-moi-tai-bao-tang-my-thuat-viet-nam-d4321.html