Hoa Kỳ áp thuế chống trợ cấp lên tôm Việt Nam: Lộ diện “chiêu trò”

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đã có quyết định cuối cùng về đánh thuế chống trợ giá vào sản phẩm tôm nhập khẩu vào thị trường nước này. Theo đó, mức thuế đánh vào sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam là 7,88%.

Đìa tôm ở Khánh Hòa

Ảnh: Hoàng Long

Quyết định bất công, phi lý

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có quyết định cuối cùng về thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo đó, mặt hàng tôm đông lạnh nhập khẩu từ Malaysia sẽ phải chịu mức thuế chống trợ cấp cao nhất là 54,5%. Mức thuế áp dụng đối với mặt hàng này nhập từ Việt Nam là 7,88%. Ba nước còn lại là Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador chịu các mức thuế lần lượt là 18,2%, 11,1% và 13,5%. Theo số liệu thống kê, năm ngoái, năm nước bị áp thuế lần này đã xuất khẩu 208.000 tấn tôm đông lạnh, trị giá 1,7 tỷ USD vào thị trường Mỹ.

Đối với Việt Nam, theo thông báo gửi đăng Công báo Liên bang do ông Paul Piquado, Trợ lý Bộ trưởng, phụ trách Cục Quản lý nhập khẩu DOC ký ngày 12-8, DOC đã quyết định áp mức thuế chống trợ cấp lên các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam, cụ thể như sau: Mức thuế suất CVD đối với hai bị đơn bắt buộc là Công ty Thủy sản Minh Quí (Minh Qui Seafoods Co. Ltd) 7,88%; Công ty Thủy sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Co.) 1,15%; mức thuế suất CVD toàn quốc cho tất cả các công ty khác 4,52%.

Tuy nhiên, quyết định này còn phải được Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) thông qua (vào ngày 19-9 tới) thì mới có hiệu lực. Tuy nhiên, những động thái này cho thấy, Mỹ đang tiếp tục tận dụng những rào cản kỹ thuật để nhằm hạn chế các sản phẩm nhập khẩu, bảo vệ cho các DN nội địa.

Trong khi đó, con tôm Việt Nam xuất khẩu vốn đã gặp vô vàn những khó khăn ở trong nước khi phải đối diện với dịch bệnh, thu hẹp nguồn nguyên liệu, nay lại phải gánh thêm những áp đặt từ phía nước nhập khẩu, mà theo như nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), áp đặt này thực sự rất bất công.

Bởi, trên thực tế, theo đánh giá một cách khách quan của VASEP, các DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế thị trường, suốt nhiều năm qua, họ không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam cho ngành tôm. VASEP bày tỏ quyết định này cùng với việc đánh thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ là một quyết định không công bằng khi Mỹ đánh hai loại thuế lên cùng một sản phẩm. Làm như vậy, Mỹ đang gây khó khăn cho DN xuất khẩu tôm Việt Nam, đồng thời cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân nuôi tôm ở Việt Nam.

"Chiêu trò” nhằm vào những mặt hàng chủ lực

Trước quyết định phi lý và bất công này, đại diện cho các DN chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, VASEP chính thức lên tiếng phản đối quyết định vô cùng bất hợp lý này của DOC.

Thời gian qua, không chỉ riêng con tôm, rất nhiều các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới đã bị gây khó dễ. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), chỉ trong vòng hơn một thập kỷ (từ 1995 đến 2012), Việt Nam đã phải đối diện với 62 vụ việc liên quan đến các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đặc biệt, số vụ có nguy cơ áp cả hai loại thuế: chống bán phá giá và chống trợ cấp có xu hướng tăng cao, nhất là ở Hoa Kỳ - thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản.

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, những vụ việc liên quan đến các rào cản kỹ thuật xảy ra không phải hiếm, song lại có xu hướng gia tăng đột biến trong những năm gần đây. Và nếu để ý kỹ, sẽ nhận ra một đặc điểm chung, đó là các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với Việt Nam thời gian đang nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và sử dụng nhiều lao động của ta như vụ kiện cá da trơn của Hoa Kỳ, vụ kiện xe đạp của EU, vụ kiện giày mũ da của EU, vụ kiện túi nhựa PE của Hoa Kỳ… và con tôm lần thứ hai lại bị Hoa Kỳ đưa vào cuộc chiến pháp lý thiết nghĩ cũng không có gì lạ.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=68171&menu=1372&style=1