Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm của ngành dệt may

Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, tháng 9/ 2018, nhóm hàng dệt may xuất khẩu (XK) ước đạt 2,8 tỷ USD, nâng kim ngạch XK hàng dệt may trong 9 tháng lên 22,56 tỷ USD, tăng 17,1%. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm 50% tổng kim ngạch XK.

Điều này cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của các DN trong ngành. Theo dự báo, kim ngạch XK của ngành dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, XK hàng dệt may trong 9 tháng lên 22,56 tỷ USD, tăng 17,1%, cộng với tín hiệu tích cực từ các thị trường cả năm 2018, XK dệt may chắc chắn đạt 34-34,5 tỷ USD.

Ngành dệt may cần sự bứt phá chuyển mình tiến lên một vị thế mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Trong đó, thị trường Hoa Kỳ có tốc độ XK tăng trưởng cao nhất, chiếm gần 50% tỷ lệ NK hàng dệt may Việt Nam, tiếp đó là đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga-Belarus, các nước Trung Đông. Dệt may Việt Nam có lợi thế ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA), xu thế tự động hóa, sự ổn định chính trị. Vì vậy, tốc độ đầu tư tăng rất nhanh.

Với tốc độ phát triển hiện nay, theo ông Giang, tới năm 2035, XK dệt may thậm chí có thể đạt tới 200 tỷ USD. Trong khi đó, với những bước tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu dệt may trong năm 2017, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo XK dệt may cả năm 2018 có thể đạt 35 tỷ USD.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 8 tháng năm 2018, kim ngạch XK hàng dệt, may của TP Hồ Chí Minh đạt 3,77 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ.

Mặc dù kim ngạch XK tăng trưởng tốt nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới DN XK, bởi khi XK vào thị trường Mỹ tăng mạnh sẽ khiến phía Mỹ áp thuế “chống lẩn tránh thuế”. Trước vấn đề này, ông Vũ Đức Giang cho rằng, trước mắt ngành dệt may Việt Nam không ảnh hưởng nhiều, bởi theo thông tin từ Tổng hội Dệt may Trung Quốc cho thấy, việc đánh thuế đối với mặt hàng dệt may của Trung Quốc khoảng 4 tỷ USD trong giai đoạn đầu. Đây là con số rất nhỏ.

“Trường hợp lẩn tránh thuế sẽ xảy ra không lớn vì nếu gian lận thương mại, sẽ bị đánh giá là không minh bạch, gây khó khăn cho nhà XK cũng như nhập khẩu của cả hai bên. Chúng tôi chỉ khuyến cáo DN phải tuân thủ quy định về pháp lý quốc tế. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động nâng cao hơn trong việc kiểm soát chặt cửa khẩu và thị trường”, ông Giang nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, ngành dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, 2019 ngành dệt may sẽ phải đối mặt nhiều thách thức. “Đây là giai đoạn ngành dệt may cần sự bứt phá chuyển mình tiến lên một vị thế mới, một vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Đó là việc chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM), nhằm mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng”, ông Hải nói.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/hoa-ky-la-thi-truong-trong-diem-cua-nganh-det-may-513403/