'Hoa một mùa' nở, sau 80 năm tài hoa bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp đi xa

Sáng 9.11.2018, tại Hà Nội, NXB Phụ nữ và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm 'Đọc lại Nguyễn Nhược Pháp' về sự nghiệp văn chương của một tác giả lâu nay được biết chủ yếu với tư cách nhà thơ, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày mất của Nguyễn Nhược Pháp.

Ấn phẩm này tập hợp đủ đầy những sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: L.Q.V

Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) sinh tại Hà Nội, là kết quả tình yêu của học giả giàu có Nguyễn Văn Vĩnh và người tình Phan Thị Lựu - con gái của một thổ ty giàu ở Lạng Sơn. Nguyễn Nhược Pháp thông minh, đẹp trai, học giỏi, có đầu óc tổ chức..., nhưng lại là người bạc mệnh: 2 tuổi đã mồ côi mẹ và khi 24 tuổi đã phải rời cõi tạm vào ngày 19.11.1938 vì căn bệnh hiểm lao hạch, sau khi phải gánh chịu nỗi buồn bởi cái chết của người cha và những anh, chị trong gia đình.

Từ năm 1930, kinh tế gia đình Nguyễn Văn Vĩnh lâm cảnh khó khăn trầm trọng. Sau khi mẹ đẻ mất, Nguyễn Nhược Pháp được mẹ cả đón về nuôi nấng, đã vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, viết thơ... để có nhuận bút, phụ giúp gia đình. Ông làm thơ từ sớm và đã viết cho các báo Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh hoa, Đông Dương Tạp chí.

Nguyễn Nhược Pháp nổi tiếng với áng thơ trữ tình “Chùa Hương”, trong đó ẩn hiện bóng hồng của “người tình trong mộng” Đỗ Thị Bính (con của thương gia Đỗ Bá Lợi) - một trong “tứ đại mỹ nhân Hà Thành” thời bấy giờ. Khi bài thơ này được ca sĩ Trung Đức và nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành bài hát “Em đi Chùa Hương”, tên tuổi Nguyễn Nhược Pháp lại càng được nhiều người biết tới hơn.

Tuy nhiên, ít người biết rằng, ngoài sáng tác thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn, kịch và nhiều bài phê bình văn học. Mệnh yểu, song khối lượng sáng tác ông để lại sẽ khiến chúng ta phải kinh ngạc bởi một bút lực ắp đầy năng lượng. Mới đây, NXB Phụ nữ đã xuất bản cuốn "Hoa một mùa", được biên soạn bởi gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh, gia đình thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp (đại diện là ông Nguyễn Lân Bình- cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người gọi Nguyễn Nhược Pháp bằng bác ruột) và NXB Phụ nữ.

"Hoa một mùa" gồm: 3 truyện ngắn (Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư), 6 vở kịch (Một chiều chủ nhật, Khỏi nấc, Sầm Sơn, Bữa cơm, Người học vẽ, Người lao), 10 bài thơ (Chùa Hương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây) và 10 bài phê bình bằng tiếng Pháp (về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, truyện Vua Hàm Nghi, Đời mưa gió, bài thơ Vần và điệu, sân khấu kịch đương thời...).

Tại buổi tọa đàm sáng 9.11, các diễn giả (nhà thơ Vũ Quần Phương, các TS Chu Văn Sơn và Đỗ Anh Vũ) và những người tham dự đã chia sẻ những đánh giá đa chiều về sự nghiệp văn chương Nguyễn Nhược Pháp - người đã được Hoài Thanh và Hoài Chân bình luận: "Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp.... Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: Với Nguyễn Nhược Pháp, nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng".

Lê Quang Vinh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/hoa-mot-mua-no-sau-80-nam-tai-hoa-bac-menh-nguyen-nhuoc-phap-di-xa-640573.ldo