Hoa một mùa: Tập hợp gia tài văn chương của Nguyễn Nhược Pháp

Nhân 80 năm ngày mất của thi nhân tài hoa bạc mệnh Nguyễn Nhược Pháp (1938-2018), Nhà xuất bản Phụ Nữ đã phát hành cuốn sách Hoa một mùa. Đây là một tập hợp đầy đủ về gia tài văn chương Nguyễn Nhược Pháp.

Nổi tiếng với những bài thơ, nhất là sau khi bài thơ Chùa Hương được ca sĩ Trung Đức và nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành bài hát Em đi chùa Hương, thế nhưng không chỉ là nhà thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn là tác giả của nhiều truyện ngắn, kịch và nhiều bài phê bình văn học. Dù sống cuộc đời trần thế ngắn ngủi chỉ 24 năm nhưng Nguyễn Nhược Pháp đã để lại một gia tài văn chương đồ sộ khiến mọi người không khỏi kinh ngạc và thán phục.

Cuốn sách Hoa một mùa được biên soạn bởi gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh mà đại diện là ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người gọi Nguyễn Nhược Pháp bằng bác ruột. Hoa một mùa gồm: 3 truyện ngắn (Tình trẻ thơ, Mẹ và con, Bức thư), 6 vở kịch (Một chiều chủ nhật, Khỏi nấc, Sầm Sơn, Bữa cơm, Người học vẽ, Người lao), 10 bài thơ: (Chùa Hương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Mỵ Châu, Giếng Trọng Thủy, Tay ngà, Mỵ Ê, Một buổi chiều xuân, Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống, Đi cống, Mây) và 10 bài phê bình bằng tiếng Pháp về Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, truyện Vua Hàm Nghi, Đời mưa gió…

Với Hoa một mùa, sau 80 năm tác giả Nguyễn Nhược Pháp rời xa cõi tạm, độc giả yêu mến nhà thơ có điều kiện đọc lại toàn bộ những sáng tác của ông. Hoài Thanh và Hoài Chân bình luận về Nguyễn Nhược Pháp trong Thi nhân Việt Nam: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp... Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Xuất, Tú Xương đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: Với Nguyễn Nhược Pháp, nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng”.

Đọc Hoa một mùa, độc giả sẽ gặp lại chàng thi sĩ năm xưa với ánh mắt “ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm. Người mất năm 24 tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ” (Thi nhân Việt Nam).

Vũ Trung Kiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201811/hoa-mot-mua-tap-hop-gia-tai-van-chuong-cua-nguyen-nhuoc-phap-2922483/