Hóa mỹ phẩm, thuốc giả tràn lan ở Hà Nội, TP.HCM

Con người thường không cưỡng lại được sức hấp dẫn từ 'giá rẻ', dù là trực tuyến hay trên đường phố. Nhưng hãy nghĩ đến điều này trước khi quyết định sa vào hố 'giá rẻ': Thuốc/hóa mỹ phẩm giả mạo hay không đạt tiêu chuẩn ngày càng phổ biến, đến mức có thể coi là 'đại dịch toàn cầu'. Khác với việc đeo chiếc túi nhái Chanel chỉ đơn giản khiến bạn thấy xấu hổ, thì thuốc/sản phẩm làm đẹp giả mạo có thể đưa bạn đến bệnh viện.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo: Ở các nước đang phát triển, trung bình cứ 10 thuốc đang bán thì có một là thuốc giả hoặc không đạt tiêu chuẩn. Vấn nạn đó từ lâu đã xuất hiện ở Việt Nam.

Thuốc chữa ung thư làm từ bột than tre từng xuất hiện tại Hà Nội

Sở Y tế Hải Phòng vừa phải ra quyết định cấm lưu hành 6 sản phẩm hóa mỹ phẩm mang tên Vinaca (Vinaca Vi5, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng và Vinaca ung thư CO3.2) mà Sở này đã cấp chứng nhận cho Công ty TNHH Hồng An Phong, theo Tuổi trẻ. Toàn bộ hồ sơ đã được chuyển sang Công an Hải Phòng để điều tra vụ việc làm giả hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc điều trị ung thư giả từ bột than tre.

Ông Nguyễn Tiến Sơn (Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng) cho biết: 6 sản phẩm kể trên được đăng ký là mỹ phẩm, không phải thực phẩm chức năng. Công ty Hồng An Phong đã kê khai không trung thực, không sản xuất sản phẩm như đã đăng ký. Trong đó sản phẩm thực phẩm chức năng “Vinaca ung thư CO3.2” - được giới thiệu là hỗ trợ chữa ung thư - không được phép sản xuất, lưu hành do không được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn và Sở Y tế cũng không tìm thấy giấy đăng ký cho sản phẩm này.

Sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2

Theo Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh, Sở chỉ cấp số tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm, gồm: Vinaca Carbon đa dụng; tẩy mùi hôi cơ thể; ung thư Vi3, tẩy mùi hôi cơ thể Vi4; baby Vi6; tỉnh táo Vi7 lái xe, học tập căng thẳng, mệt mỏi cho Công ty TNHH Hồng An Phong. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm thật giả thì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trên thị trường, những sản phẩm này được đóng gói, dán nhãn quảng cáo và bán với giá hàng triệu đồng/sản phẩm.

Chứng nhận Công ty TNHH Vinaca Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017

Được biết, Công ty TNHH Vinaca từng được nhận giải thưởng Top 10 thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017 và gương mặt doanh nhân tiêu biểu 2017. Trao đổi với báo Lao động, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hùng cho rằng chính giải thưởng này đã gián tiếp tiếp tay cho Vinaca lừa bịp người tiêu dùng. Ông Hùng nói, thực tế có tình trạng doanh nghiệp chỉ cần đóng một khoản tiền nhất định để “mua” giải thưởng, bằng khen cho chất lượng hàng hóa, và những đơn vị trao giải thưởng này chỉ quan tâm đến tiền chứ không phải vì chất lượng sản phẩm hay uy tín doanh nghiệp. Bởi vậy, các đối tượng đã lợi dụng điều này để lừa dối người tiêu dùng.

Sáng ngày 13/4, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tái kiểm tra chi nhánh 19 của Vinaca tại đường Thanh Bình (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông) để kiểm tra nhân vụ việc sản phẩm Vinaca bị phát hiện được làm từ bột than tre, VOV đưa tin. Cơ quan chức năng đã phát hiện và niêm phong 835 sản phẩm của 8 loại sản phẩm được quảng cáo là chữa khỏi ung thư da, trong đó có Vinaca Co 3.2 làm từ bột than tre.

Trước đó, ngày 9/4, đoàn kiểm tra Sở Y tế Hải Phòng phát hiện các công nhân tại trụ sở của Công ty TNHH Hồng An Phong (xã Hồng Phong, huyện An Dương) đang nghiền thủ công tro than tre, nứa, gỗ thành bột, làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm Vinaca. Cơ quan chức năng thu giữ được tang vật gồm hơn 1 tấn nguyên liệu than tre, nứa và thành phẩm.

Công nhân đang nhồi bột than tre vào các viên nang nhộng làm “thuốc” điều trị ung thư. Ảnh: C.A

Cách đây khoảng hai tháng, vào ngày 15/2, công an quận Kiến An cùng Chi cục Quản lý thị trường TP.Hải Phòng cũng đã kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Vinaca tại quận Kiến An đột xuất và bắt quả tang các công nhân đang đưa hợp chất với thành phần chính là than tro được lấy từ tre nứa, gỗ đốt và tán mịn thành bột, pha thêm hóa chất để cho vào bên trong các viên nang làm thuốc.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH Hồng An Phong) khai nhận các sản phẩm được nghiền thủ công, dùng tro than tre, nứa làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết công ty của mình không trực tiếp sản xuất mà chỉ cung cấp bột than cho Công ty TNHH Vinaca (giám đốc là ông Nguyễn Xuân Thu) thực hiện sản xuất.

Theo lời khai từ Tuấn, Công ty TNHH Hồng An Phong chưa một lần sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm theo nội dung đăng ký và cấp phép của Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Y tế. Không những thế, Tuấn còn cho ông Thu “mượn” giấy tờ pháp nhân của công ty để mở cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm và thuốc chữa ung thư từ năm 2016. Đến tháng 2/2018, Tuấn cung cấp cho Thu hàng tấn bột than tre, nứa đồng thời nhận 200 triệu đồng từ vợ chồng chủ doanh nghiệp Vinaca.

Chi cục quản lý thị trường Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Vinaca 44 triệu đồng do sản xuất thực phẩm chức năng khi chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh, nguyên liệu sản xuất không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ vụ việc.

Kem đánh răng “xịn” siêu rẻ

Thị trường bán lẻ, các trang bán hàng online tại Việt Nam đang tràn lan nhiều loại kem đánh răng giả các thương hiệu “xịn”, ngoại nhập với giá rẻ bất ngờ chỉ từ vài nghìn tới vài chục nghìn đồng.

Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện lô hàng kem đánh răng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi là hàng giả khi đột nhập, kiểm tra kho hàng tại Viện Bơm và thiết bị thủy lợi (ngõ 95, số 7, chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội), theo báo Giao thông. Hơn 18.000 tuýp kem đánh răng mang nhãn hiệu Sensodyne loại 100 ml và 75ml đựng trong các thùng các tông và hơn 4.000 tuýp kem đánh răng nhãn hiệu Colgate, hơn 1.000 lọ kem nhãn hiệu Nivea bị lực lượng chức năng thu giữ.

Lô hàng bị thu giữ bị nghi là hàng giả

Một cán bộ quản lý thị trường cho biết có nhiều dấu hiệu lô hàng trên là giả. Chủ lô hàng là Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 1981, Hà Nội) cũng khai nhận số hàng này được mua trôi nổi trên thị trường.

Khảo sát tại một sạp hàng bán đồ hóa mỹ phẩm ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) thấy nhiều loại kem đánh răng các nhãn hiệu nội, ngoại được bày bán nhưng với giá rẻ hơn rất nhiều lần so với mặt hàng cùng nhãn hiệu trong các siêu thị, trung tâm thương mại. Như một loại kem đánh răng nhãn hiệu khá nổi tiếng dành cho răng nhạy cảm có giá niêm yết tại siêu thị gần 60.000 đồng/tuýp 100ml thì ở đây chỉ 26.000 đồng, được quảng cáo là hàng xách tay Thái Lan.

Theo chủ một địa chỉ bán hàng online chuyên cung cấp bàn chải, kem đánh răng, xà bông cho nhà nghỉ, khách sạn cho biết: Những nhà nghỉ bình dân thường nhập loại kem đánh răng giá 600 đồng/tuýp, không nhãn mác. Khách sạn 2-5 sao lấy hàng “xịn” hơn, là kem đánh răng hiệu Colgate Cavity Protection giá 2.000 đồng/tuýp 5g. Song, những tuýp kem đánh răng “xịn” theo lời quảng cáo không được đựng trong hộp riêng, chỉ in trần dòng chữ Colgate Cavity Protection và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các chuyên gia cảnh báo, hàm lượng flour (có tác dụng làm răng chắc khỏe, chống lại tác động của axit có trong thực phẩm với sức khỏe răng miệng) trong kem đánh răng giả thường vượt ngưỡng, không có tác dụng diệt khuẩn mà còn có thể gây tổn hại xương và men răng. Chưa kể nguyên liệu tạo màu, tạo bọt, diệt khuẩn... dùng sản xuất kem đánh răng giả thường rẻ tiền, chứa thành phần độc hại, có thể thẩm thấu vào máu và tích tụ lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn (trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng thuộc Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: Trong các loại kem đánh răng giả thường có: chất Triclosan - bị cho rằng có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp và ung thư; Natri Lauryl Sulfat - có thể gây loét miệng, kích ứng da và mất cân bằng nội tiết tố; chất đường Sorbitol - gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, làm đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy…

Thuốc kháng sinh Zinnat giả

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) phát ra thông tin cảnh báo thuốc Zinnat 500mg Film tablet giả đang được bán công khai ngay tại TP.HCM và Hà Nội, báo Tuổi trẻ cho biết. Sau vụ Lincomycin 500mg giả bị phát hiện tại nhà thuốc ở tỉnh Gia Lai, thì đây là vụ thuốc giả thứ hai bị phát hiện tính từ đầu năm 2018.

Zinnat là thuốc kháng sinh thông dụng, đắt tiền, thường được dùng cho các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, niệu, sinh dục... Kết quả kiểm nghiệm cho thấy thuốc Zinnat giả không có hoạt chất chính cefuroxim acetyl (có trong thuốc thật). Vì thế, việc xuất hiện thuốc Zinnat giả trên thị trường là điều rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt khi các vụ thuốc giả gần đây chỉ được phát hiện khi thuốc đã có mặt trên thị trường, qua các kênh phân phối để “sẵn sàng” đến tay người tiêu dùng.

Nếu không phải chuyên gia sẽ rất khó phân biệt thuốc thật vì thuốc giả được làm tinh vi. Trên vỏ hộp thuốc giả, tên hoạt chất chính giống với thuốc thật về cách phát âm, mẫu vỏ hộp cũng được làm gần giống thuốc thật để đánh lừa người mua.

Một mẫu thuốc Zinnat giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: SGGP

Chuyên gia của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho biết: Hiện nay, thuốc kháng sinh là nhóm thuốc có sỗ mẫu bị phát hiện kém chất lượng lớn nhất.

Cục Quản lý dược hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết thuốc Zinnat 500mg giả

Trên nhãn sản phẩm giả in dòng chữ "Sefuroksim aksetil 20 film table", nhãn phụ ghi mạo danh nhà sản xuất Glaxo Opertione UK và mạo danh cả doanh nghiệp nhập khẩu là Công ty cổ phần Armaephaco, địa chỉ ở quận Long Biên, Hà Nội.

*Thuốc giả theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là “sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai để gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm chứa đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả”.

Người bệnh dùng phải thuốc giả sẽ không khỏi bệnh mà còn bị nặng thêm. Trường hợp uống phải thuốc giả chứa “sai hoạt chất”, nếu là độc chất thì có thể tử vong. Tại một số nước châu Phi đã xảy ra tình trạng nhiều trẻ tử vong do dùng thuốc có chứa tá dược bị lẫn tạp chất là chất độc propylene glycol.

PV

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/hoa-my-pham-thuoc-gia-tran-lan-o-ha-noi-tp-hcm-81030.html