Hòa nhạc trực tuyến: Không còn là giải pháp tình thế!

'Cái khó ló cái khôn', trong những ngày cách ly xã hội vừa qua, hòa nhạc trực tuyến là giải pháp khả thi để đưa âm nhạc đến với công chúng. Từ đà phát triển đó, những buổi hòa nhạc trực tuyến đến nay vẫn tiếp tục chứng tỏ hiệu quả và có thể trở thành xu hướng của âm nhạc đại chúng trong tương lai.

Xu hướng chung

Trong những ngày cách ly xã hội, mặc dù hoạt động biểu diễn trực tiếp bị dừng hoàn toàn nhưng khán giả vẫn có thể tương tác với nghệ sĩ nhờ những chương trình biểu diễn online được thực hiện khá thường xuyên. Nhiều nghệ sĩ lên mạng xã hội giao lưu với khán giả. Các trung tâm văn hóa kết nối công chúng với chương trình hòa nhạc tại nhà của nghệ sĩ nước ngoài. Thậm chí, có những show lớn được tổ chức nhờ ứng dụng công nghệ, như chương trình livestream Music Home của ca sĩ Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em hồi tháng 3, liveshow trực tuyến Kiên cường Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 4...

Thực hiện liveshow trực tuyến có thu phí, ca sĩ Tuấn Hưng cho biết đó là cách để nghệ sĩ “tự cứu mình” trong bối cảnh xuất hiện dịch Covid-19. Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng cho rằng, hòa nhạc trực tuyến là giải pháp cần thiết để đáp ứng nhu cầu nghe nhạc tại nhà của khán giả. Nhưng đến nay, khi cuộc sống dần trở lại bình thường, sân khấu rục rịch sáng đèn, hòa nhạc trực tuyến vẫn chứng tỏ ưu thế nhất định mà chương trình hòa nhạc trực tuyến Hồi sinh được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua là một ví dụ. Chương trình có sự tham gia của hơn 30 ca sĩ, nghệ sĩ, thu hút hơn 600 nghìn lượt xem trên YouTube và Facebook.

Hòa nhạc trực tuyến là xu hướng của thế giới trong năm nay. Đại hòa nhạc trực tuyến One World: Together At Home diễn ra vào ngày 19-4 thu hút hơn 20 triệu lượt theo dõi, phá kỷ lục video được xem trực tuyến nhiều nhất trên YouTube. Trong tháng 5, một loạt buổi hòa nhạc trực tuyến có quy mô từ nhỏ đến lớn đã được giới thiệu với người hâm mộ. Đáng chú ý là chuỗi hòa nhạc trực tuyến Beyond LIVE của hàng loạt ban nhạc đình đám Hàn Quốc.

Cơ hội phát triển

Hòa nhạc trực tuyến không chỉ là giải pháp giải trí trong mùa dịch, mà đã thể hiện ưu thế vượt trội về nhiều mặt. Quy mô của những buổi hòa nhạc trực tuyến được điều chỉnh linh hoạt, từ những buổi biểu diễn ngắn tại nhà với một nghệ sĩ đến những chương trình có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ. Riêng với những buổi hòa nhạc quy mô lớn nhằm mục đích vì cộng đồng, hình thức này tỏ ra đặc biệt hiệu quả. Chẳng hạn, liveshow trực tuyến Kiên cường Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Công ty cổ phần RSVP phối hợp cùng các nghệ sĩ tổ chức hồi tháng 4 đã gây ấn tượng mạnh. Thông qua âm nhạc, các nghệ sĩ ở những không gian khác nhau đã mang đến cho công chúng thông điệp về việc chung tay phòng, chống dịch một cách sinh động. Hay hòa nhạc trực tuyến Hồi sinh cũng đạt hiệu quả truyền thông rất cao khi diễn ra liên tục trong 6 giờ.

Việc ứng dụng công nghệ đang được các nghệ sĩ hoàn thiện dần. Theo nhạc sĩ Huy Tuấn, khi thực hiện hòa nhạc Hồi sinh, ban nhạc đã chơi live và âm thanh được truyền từ studio - chất lượng tốt hơn so với khi tự quay bằng các thiết bị di động thông minh ở trong không gian bất kỳ. Với hòa nhạc Hồi sinh, ban tổ chức không dùng bản ghi âm hoặc ghi hình từ trước mà để mọi thứ diễn ra trực tiếp, ê kíp làm việc liên tục trong hơn 7 giờ, mang đến cho công chúng cảm xúc chân thật, tươi mới không khác gì xem trực tiếp.

Hòa nhạc trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế, việc người hâm mộ sẵn sàng trả tiền cho những buổi hòa nhạc online chứng tỏ nó thực sự có “đất sống”. Theo ước tính, buổi hòa nhạc trực tuyến của nhóm SuperM mở màn cho chuỗi concert Beyond LIVE đã giúp “ông lớn” của ngành giải trí Hàn Quốc là SM Entertainment thu về khoảng 2 triệu USD, gấp nhiều lần so với doanh thu của những buổi concert được tổ chức trực tiếp. Khán giả ủng hộ xu thế này, bởi họ chỉ phải trả một mức giá vừa phải, lại không mất thời gian cho việc di chuyển, săn vé và chọn chỗ ngồi “đẹp”...

Chính vì vậy, giới chuyên môn tin rằng hòa nhạc trực tuyến là xu hướng chính của thị trường âm nhạc tương lai. Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá: Hiện tại mới chỉ có các đơn vị tư nhân, nghệ sĩ tự do nắm bắt tốt xu hướng này. Sắp tới, Cục sẽ cùng với các đơn vị nghệ thuật đóng góp ý kiến, lên phương án nhằm tận dụng tối đa lợi thế công nghệ trong việc lưu trữ, phổ biến rộng rãi những tác phẩm chất lượng cao đến công chúng, tiến tới thực hiện những chương trình quy mô lớn bằng hình thức online.

An Định

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/969833/hoa-nhac-truc-tuyen-khong-con-la-giai-phap-tinh-the