Hòa quyện hai ước mơ

Hơn 10 năm công tác tại Báo Biên phòng, nhà báo Nguyễn Viết Lam không thể nhớ hết những vùng đất biên cương của Tổ quốc, nơi đôi bàn chân anh đã đặt tới. Mỗi vùng đất, mỗi nhân vật đều để lại trong trái tim nhà báo - chiến sĩ ấy những cảm xúc, nỗi niềm riêng. Như con thoi, đến rồi đi, khi trở về với bao đêm trăn trở trải lòng trên những con chữ, Nguyễn Viết Lam lại thao thiết mong muốn phải làm gì dù nhỏ bé cho những miền đất mình đã đi qua. Bởi canh cánh trong lòng một nỗi 'còn mắc nợ' với đồng bào miền núi, bởi trót đã là 'người con của dân bản'.

Nhà báo Viết Lam thăm cháu Lương Thị Son, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An vào đầu tháng 6-2020.

Nhà báo Viết Lam thăm cháu Lương Thị Son, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An vào đầu tháng 6-2020.

Hơn 10 năm công tác tại Báo Biên phòng, nhà báo Nguyễn Viết Lam không thể nhớ hết những vùng đất biên cương của Tổ quốc, nơi đôi bàn chân anh đã đặt tới. Mỗi vùng đất, mỗi nhân vật đều để lại trong trái tim nhà báo - chiến sĩ ấy những cảm xúc, nỗi niềm riêng. Như con thoi, đến rồi đi, khi trở về với bao đêm trăn trở trải lòng trên những con chữ, Nguyễn Viết Lam lại thao thiết mong muốn phải làm gì dù nhỏ bé cho những miền đất mình đã đi qua. Bởi canh cánh trong lòng một nỗi “còn mắc nợ” với đồng bào miền núi, bởi trót đã là “người con của dân bản”.

Sinh ra tại huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An), thuở ấu thơ, cậu bé Lam xem qua ti-vi, thấy nghề báo được đi nhiều, biết nhiều, nên ấp ủ ước mơ lớn lên sẽ làm phóng viên để thỏa sức đi đó đây, mở mang tầm mắt. Tốt nghiệp lớp 12, Nguyễn Viết Lam thi đỗ vào Khoa Báo chí, Trường đại học Khoa học Huế. Nhưng khi tốt nghiệp ra trường, theo ước nguyện của bố, muốn nối nghiệp truyền thống quân đội của gia đình, năm 2007, Lam viết đơn xin nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, anh được điều động về công tác tại Tiểu khu 50, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An, đóng tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Chiến sĩ binh nhất sau những giờ tập luyện trên thao trường vẫn tha thiết với niềm đam mê nghề báo. Vậy nên, cứ cuối tuần, anh lại xin chỉ huy ra khỏi đơn vị đến các bản làng lấy tư liệu viết bài gửi về Báo Biên phòng, Báo Quân đội nhân dân. Chuyến “tác nghiệp” đầu tiên của chiến sĩ trẻ Nguyễn Viết Lam là về với bản nghèo Sa Vang, thuộc xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Lam nhớ lại: “Dù cũng sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi của Nghệ An, những tưởng đã thấm đủ cái khó khăn do nghèo khó mang lại, thế nhưng khi đến xã Tà Cạ, tôi mới thấy mình còn sung túc. Sa Vang đúng vào mùa giáp hạt, người dân phải ăn sắn, lá đu đủ thay cơm”. Những đứa trẻ chơi trên đường làng suy dinh dưỡng, mong manh trong cái rét cắt da cắt thịt, khiến những giọt lệ rơi trên gương mặt của anh tự lúc nào. Cái đói nghèo, thiếu thốn trăm bề của bà con Sa Vang hiện lên một cách chân thực qua ngòi bút của một cây bút khoác áo lính đã kịp thời thông tin và lay động nhiều tấm lòng hảo tâm cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương. Từ mùa giáp hạt năm sau, bà con Sa Vang đã không còn đói nữa. Có thể nói, chuyến đi Sa Vang năm đó như định mệnh, là cầu nối đưa tâm huyết và sự nhiệt thành của chiến sĩ - nhà báo trẻ Nguyễn Viết Lam đi và đến, gắn bó khăng khít với đồng bào các dân tộc miền biên viễn.

Năm 2009, Nguyễn Viết Lam chính thức trở thành phóng viên Báo Biên phòng. Với sự xông xáo, nhiệt huyết của mình, đôi chân của nhà báo - chiến sĩ ấy chỉ bước tới một hướng: nơi biên cương của Tổ quốc. Trận lũ lịch sử sầm sập kéo đến Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa vào tháng 8-2019, Nguyễn Viết Lam là một trong những nhà báo đầu tiên lao vào hiện trường, kịp thời đưa tin bài. Sau mỗi chuyến lên biên giới, đọng lại ấn tượng đặc biệt trong Nguyễn Viết Lam là những đôi mắt trong veo của những đứa trẻ nơi bản làng. Làm thế nào để tương lai những đứa trẻ được tươi sáng hơn là điều Lam luôn ấp ủ. Muốn như vậy, các cháu nhỏ phải được ăn no mặc ấm, phải được đến trường. Bởi thế, trong quá trình tác nghiệp, Lam luôn lồng ghép cả công tác từ thiện. Trong những năm qua, Nguyễn Viết Lam thường xuyên kêu gọi, vận động được nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều chuyến tặng quà lên khu vực biên giới. Cá nhân Lam đã và đang đỡ đầu hai em học sinh dân tộc Khơ Mú để hai em có điều kiện đến trường. Em Lương Thị Son, mồ côi cha, dân tộc Khơ Mú, ở xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, đang được hỗ trợ kinh phí 300.000 đồng/tháng. Với sự giúp đỡ của chú Lam, Son đang là học sinh lớp 10A4, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An. Chuyến thăm gia đình gần đây nhất, Lam dành quỹ thời gian ít ỏi thăm Son. Son khoe: học kỳ I đứng thứ tám của lớp, các điểm tiếng Anh, Toán, Hóa học, Sinh học đều đạt tổng kết hơn 8 điểm. Kết quả học tập rất đáng khích lệ đã làm hai chú cháu rất phấn khởi và tin tưởng vào ước mơ thi đỗ Học viện Quân y của Son. Ai gần Lam đều thấu hiểu hoàn cảnh gia đình anh còn nhiều khó khăn, vất vả, cho nên tấm lòng nhân ái của nhà báo - chiến sĩ Nguyễn Viết Lam đã làm lay động tấm lòng của bạn bè, đồng nghiệp. Hiện nay, hằng tháng, ngoài số tiền 300 nghìn đồng hỗ trợ Son, Lam vẫn đang kiên nhẫn dành tiền lương, đồng thời kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp quyên góp 500 nghìn đồng/người/tháng gây quỹ tạo điều kiện để Son học lên đại học sau này.

Yêu nghề, nghề không phụ, dù thời gian công tác trong làng báo chưa nhiều nhưng Nguyễn Viết Lam đã giành rất nhiều giải báo chí quốc gia, bộ, ngành. Số tiền từ các giải thưởng, Lam đều dành một phần cho các hoạt động thiện nguyện. Chia tay tôi, Lam quả quyết: “Là quân nhân, một nhà báo, tôi thấy vai trò nào cũng quan trọng, tôi tự hứa với lòng mình, còn sức là còn cống hiến, không bao giờ được phép chùn bước, bỏ cuộc trước những khó khăn”.

ĐẶNG THANH HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44840502-hoa-quyen-hai-uoc-mo.html