Họa sĩ 'dọa ma' người xem tới 'Hồn xiêu phách lạc'

Họa sĩ Lã Bá Quân và Nguyễn Thành đã mang tới những người yêu nghệ thuật Thủ đô một triển lãm khá lạ khi diễn tả nỗi sợ hãi của con người tới mức phải 'hồn xiêu phách lạc', về hồn và vía. Những hình hài bị bóp méo, tan chảy trong trạng thái sợ hãi tột đỉnh đã dọa nạt những người yếu bóng vía.

Trong thành ngữ tiếng Việt có câu “hồn xiêu phách lạc” để diễn tả trạng thái mà con người bị mất hết tinh thần và sinh lực do sự sợ hãi. Người Việt, ai lớn lên đều biết điều đó. Họa sỹ Lã Bá Quân cũng vậy, điều khác biệt chỉ ở chỗ: anh có năng lực để thể hiện những trải nghiệm của mình thông qua những tác phẩm hội họa. Dĩ nhiên, không ai có thể nhìn thấy phần hồn vốn vô hình, họa sĩ chỉ có thể nhìn thấy và biểu hiện điều đó thông qua thân xác: Những khuôn mặt, những thân thể ứng với những trạng thái hồn, vía tích cực hay tiêu cực khác nhau.

Tác phẩm của họa sĩ Lã Bá Quân

Tác phẩm của họa sĩ Lã Bá Quân

Đó có thể là những khuôn mặt bị bôi nhòe bằng các vệt màu lớn, biểu hiện trạng thái “thất thần” hay “hồn xiêu phách lạc”, có những cơ thể đang ở trạng thái giống như tan chảy thể hiện trạng thái hồn vía đang từ từ lìa khỏi xác, lại có những tác phẩm diễn tả những năng lượng xấu giống như sự trỗi dậy của phần xấu trong con người hay ngược lại, có những tác phẩm lại biểu hiện những năng lượng tích cực trong linh hồn của con người.

Màu sắc ma mị trong tranh của Lã Bá Quân

Ai biết phong cách hội họa của Lã Bá Quân trước đây sẽ thấy sự chuyển biến mạnh về tư duy và ngôn ngữ nghệ thuật của anh. Với những tác phẩm được trưng bày lần này, anh đã chuyển từ hội họa bóp méo sang hội họa phi biểu hình để trừu tượng hóa những trạng thái của hồn, vía. Về mặt bút pháp, anh vẫn tiếp tục bút pháp quen thuộc của mình với những mảng màu lớn, dày nhưng cực đoan hơn. Về mặt màu sắc, anh cũng cho thấy sự khác biệt với những tác phẩm ở thời kỳ trước như kiệm màu, tăng sắc, giảm các màu nóng và sáng, tăng màu lạnh và tối.

Anh đã tạo thêm một giọng điệu độc đáo cho hội họa đương đại Việt Nam, nó đã tạo được ấn tượng thị giác phức hợp, đó là sự hài hòa giữa cái hữu hình và cái vô hình, giữa những năng lượng tích cực và những năng lượng tiêu cực, giữa lý trí và trực giác, giữa trạng thái hưng phấn và sợ hãi.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thành

Với họa sĩ Nguyễn Thành, lần triển lãm này, anh không vẽ mà làm điêu khắc những tượng bán thân với khuôn mặt gắn trên đầu là những đồ vật như: Những khẩu súng - biểu tượng của chiến tranh, những con rồng, con phượng hay xà gồ ở đình chùa miếu mạo như những biểu tượng bền vững của truyền thống. Một cách dễ dàng, ai cũng có thể cảm nhận những tác phẩm này nói về nỗi ám ảnh chiến tranh của một dân tộc đã từng chịu nhiều đau thương.

Nhiều câu hỏi được đặt ra với người xem trong tranh của Nguyễn Thành

PGS.TS Bùi Quang Thắng, Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Vicas art studio cho rằng, điều mà tác giả muốn nói ở từng tác phẩm không phải chỉ là những ẩn dụ, những nét mới mẻ trong tạo hình hay những kỹ thuật làm bề mặt cho các bức tượng, mà là sự đối thoại với khán giả sau khi xem tác phẩm. Khi chiến tranh đã lùi xa vài chục năm, những trạng thái tinh thần ám ảnh về cuộc chiến vẫn tồn tại trong tâm thức của người Việt. Và một dân tộc phát triển cần dựa trên nền tảng truyền thống nhưng làm thế nào để cái cũ không trở thành lực cản, gánh nặng cho quá trình phát triển.

Triển lãm “Hồn xiêu phách lạc” diễn ra đến hết ngày 29-12 tại Vicas art studio, số 32 Hào Nam, Hà Nội.

Hương Thủy

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/hoa-si-doa-ma-nguoi-xem-toi-hon-xieu-phach-lac/836420.antd