Họa sĩ Hà Hùng Dũng tố cáo hàng chục tác phẩm bị 'đạo' thành tranh tường

Hàng chục tác phẩm về đề tài Sa Pa của họa sĩ Hà Hùng Dũng đã bị đơn vị tranh tường Trần Tuân xâm phạm bản quyền nghiêm trọng, làm tranh chép và tranh tường.

Chiều 17.5, trao đổi với với Thanh Niên Online họa sĩ Hà Hùng Dũng cho biết vừa phát hiện ra hàng chục tác phẩm về vẻ đẹp người phụ nữ Tây Bắc của anh đã bị đơn vị tranh tường Trần Tuân (Hà Nội) xâm phạm bản quyền, làm tranh chép và tranh tường khổ lớn, hiện đang trang trí tại khách sạn 5 sao Pao’s tại Sa Pa.

Các tranh gốc của họa sĩ Hà Hùng Dũng

Họa sĩ Hà Hùng Dũng rất bức xúc về sự việc trên và tuyên bố sẽ làm đến cùng để bảo vệ các tác phẩm của mình. Anh cũng cho biết chuyện nhận thức về việc tôn trọng và sử dụng bản quyền tác phẩm không chỉ phải được phổ cập trong các họa sĩ, những người yêu mỹ thuật, mà ngay cả đối với các khách sạn, nhà hàng, những đơn vị sử dụng các “tác phẩm đạo nhái” kia cũng cần phải nắm rõ.

“Tôi sẽ làm đến cùng sự việc vi phạm bản quyền lần này. Tại sao khách sạn lớn tới 5 sao, đứng sau là cả một tập đoàn lớn, mà không hề có ý thức khi sử dụng hình ảnh trang trí trong khách sạn, không cần biết nguồn gốc hình ảnh tranh đó từ đâu ra”, họa sĩ Dũng nói.

Họa sĩ Hà Hùng Dũng cũng cho rằng những bức tranh tường “đạo” tranh của anh được vẽ khổ rất lớn, trang trí kín Mẩy Club (thuộc tầng 3 khách sạn Pao’s Sapa Leisure Hotel ở thị trấn Sapa, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai).

Các hình ảnh tranh chép, tranh tường tại Mẩy Club sử dụng trái phép tranh gốc của họa sĩ Hà Hùng Dũng - Ảnh: ẢNH: LUCY NGUYỄN

Về phía tranh tường Trần Tuân, sau khi nhận được phản ảnh đã thừa nhận sai sót, rất mong được xin lỗi và hứa sẽ thực hiện lại việc sửa đổi tranh trên Mẩy Club vào tuần tới, để chấm dứt việc sử dụng trái phép các tác phẩm trên. Tuy nhiên lời xin lỗi này không được họa sĩ Hà Hùng Dũng chấp nhận.

Họa sĩ Dũng cho rằng dù bây giờ khách sạn và đơn vị vẽ tranh tường có hiểu ra, xóa bỏ các bức tranh tường này đi chăng nữa thì sự việc vi phạm bản quyền đã diễn ra. “Không thể cứ làm sai, làm bừa làm ẩu, khi phát hiện ra thì chỉ xin lỗi là xong được. Tôi sẽ sử dụng pháp luật để xử lý việc xâm phạm bản quyền tranh được xử lý tận cùng và triệt để”, họa sĩ nói.

Họa sĩ Hà Hùng Dũng cũng cho biết tuy sinh sống và làm việc tại TP.HCM hơn 20 năm qua nhưng anh luôn mê mẩn Sa Pa và phụ nữ cùng trẻ em ở Tây Bắc luôn gợi cho anh rất nhiều cảm hứng sáng tác bất tận.

Anh là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, từng tham gia nhiều triển lãm cá nhân, nhóm ở TP.HCM và cả nước, được giới chuyên môn đánh giá cao về loạt tranh sáng tác về vẻ đẹp và con người Tây Bắc.

Một số quy định pháp lý hiện hành về quyền tác giả, tác phẩm:

- Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định Hành vi sao chép, sử dụng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu vi phạm quyền tác giả.

- Hành vi sao chép tác phẩm mà không hỏi ý kiến chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại Điểm D, khoản 1, Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, bị coi là vi phạm quyền tác giả. Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP có giải thích cụ thể về sao chép tác phẩm.

- Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng. Khoản 1, điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

- Khoản 1 điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 - 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Lucy Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/hoa-si-ha-hung-dung-to-cao-hang-chuc-tac-pham-bi-dao-thanh-tranh-tuong-1082933.html