Họa sĩ Lưu Yên – Một tài năng đa diện

Tuy ít vẽ nhưng tranh, nhưng họa sĩ Lưu Yên đã thử trải nghiệm qua hầu hết các chất liệu: Sơn dầu, sơn mài, lụa, mầu nước, mầu sáp, khắc gỗ…mảng đồ họa gồm tranh truyện, minh họa, bìa sách. Ngoài ra ông viết sách, tham gia từ điển Bách Khoa (phần Mỹ thuật) và nhiều bài lí luận phê bình khác…Ông quả là một tài năng đa diện.

Họa sĩ Lưu Yên

Họa sĩ Lưu Yên

Họa sĩ Lưu Yên sinh 12 tháng 5 năm 1930 mất 12 tháng 11 năm 2013. Ông là cháu gọi họa sĩ nổi tiếng Mai Trung Thứ là cậu ruột. Ông tốt nghiệp tú tài ngữ văn 1953, lúc đầu ông đi dậy học, sau đó theo học họa sĩ Lương Xuân Nhị theo kiểu châu Âu cổ điển một thầy kèm một vài trò truyền nghề chứ không mở trường lớp như sau này. Với vốn tiếng Pháp giỏi và một phần tiếng Anh, ông được người thầy khả kính là thầy Lương Xuân Nhị - một nhà sư phạm và cũng là một họa sĩ tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương với nhiều sách vở và tư liệu từ trường Bau Art Pháp để lại. Thầy cũng thường trao đổi truyền cho trò bằng tiếng Pháp khi gặp những vấn đề lý giải chuyên môn, bởi trong nghệ thuật hội họa nhiều từ trong nghề lúc đó chưa được dịch việt hóa.

Tác phẩm Chiếc áo thổ cẩm của họa sĩ Lưu Yên

Trong cuốn sổ ghi chép hàng ngày của Lưu Yên khi ông là họa sĩ nhà xuất bản Văn Hóa, có hàng trăm trang ghi dầy đặc bằng tiếng Pháp, có nhiều đoạn viết bằng tiếng Anh những suy tư của ông về nghệ thuật tạo hình… trong đó có trích cả những lời của Thầy Nhị truyền cho ông… Tiếp đó ông học khóa 1955-1957 khóa Tô Ngọc Vân, lúc này lại vẫn là thầy Nhị hướng dẫn… Lần này ông học cùng lớp với Giáng Hương, Huy Oánh… và họ đều công nhận Lưu Yên không chỉ có những bài hình họa xuất sắc, mà còn là một cây lý luận. Bởi ông là một trong những người đọc được nhiều sách tiếng Pháp, tiếng Anh về nghệ thuật tạo hình lúc đó.

Có người nói họa sĩ Lưu Yên ít vẽ tranh. Ông ít tranh để lại, nhưng phải hiểu một thực tế, thế hệ của ông có thiệt thòi của thời chiến tranh, bao cấp… Người họa sĩ còn phải tích từ cái tem gạo, tem phiếu mua mấy bìa đậu…Cơm thì độn hạt bo bo… thì lấy đâu ra mầu và toan để vẽ! Tôi nhớ ngày đó tôi được học ở nước ngoài đang vẽ sơn dầu thoải mái, khi về nước không có, tôi đã tìm đến nhà in Tiến Bộ vì có anh họ làm việc ở đó cũng đang nghiên cứu chế mực in, hai anh em mầy mò chế sơn dầu vẽ rồi cho vào những tuýp mua lại của xưởng chế kem đánh răng Ngọc Lan dùng thử, mang biếu bác Nguyễn Đỗ Cung mấy tuýp cùng miếng toan, bác khen và động viên tiếp tục nghiên cứu…nhưng chỉ một thời gian sau mầu bị xỉn, tôi vứt đi cả.

Họa sĩ Lưu Yên khi đó làm ở Nhà Xuất bản Văn hóa, bù đầu với tranh truyện và minh họa sách nên thời gian dành cho vẽ tranh cũng hạn hẹp. Hơn nữa cũng rất ít mầu để vẽ! Có bức sơn dầu ông vẽ trên bìa cắt tông. Những bức mầu nước vẽ trên sổ tay…Những khi cóp được tiền mua sơn, ông cũng để lại những tác phẩm chững chạc. Điển hình là bức "Chiếc áo thổ cẩm". Có lẽ đây là kiệt tác của ông. May thay nó được lưu lại trong bộ tranh sưu tập của Bộ Văn Hóa - Thông Tin. Tôi nhớ năm 2001 khi bức này được chọn trong hơn 100 tác phẩm tiêu biểu của Mỹ Thuật Việt Nam mang đi triển lãm tại trụ sở Đại hội đồng Liên hiệp quốc với tên triển lãm "Đối thoại các nền văn minh" thì ngay buổi khi mạc đã có một tùy viên Văn hóa của Ý đến gặp tôi là thành viên Ban Tổ chức hỏi mua "Chiếc áo thổ cẩm" và bức sơn mài "Tổ đổi công" của Hoàng Tích Trù. Tôi trả lời đó là những sưu tập của Bộ Văn hóa – Thông tin không được phép bán.

Một số tác phẩm của họa sĩ Lưu Yên

Tác phẩm "Chiếc áo thổ cẩm" – sơn dầu, là bức chân dung với bút pháp hiện thực nhưng ở đây tất cả được đẩy đến độ thăng hoa về mầu sắc, về bố cục, đạt được cái đỉnh của nghệ thuật "Thực mà không thực; không thực mà rất thực"… Ví như bức Trần Văn Cẩn vẽ Em Thúy vậy. Tôi không dám so sánh, bởi có câu của Angel rằng "Mọi sự so sánh đều khập khiễng" nhưng theo tôi đó là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Tranh vẽ chân dung con gái ông. Tranh hiện thực thần thái và sang trọng… Bức tranh đó đã được Bộ Văn hóa – Thông tin mua hiện được lưu giữ tại kho tranh quý của Cục Mỹ Thuật….

Bức tranh "Hai chế độ" của nhóm tác giả mà ông là một thành viên góp công không nhỏ trong bố cục và thể hiện. Nhóm gồm Hoàng Công Luận, Lưu Yên, Nguyễn Anh Thường, Nguyễn Yên, Vũ Duy nghĩa, Lưu Danh Thanh… Bức tranh tường dài trên 20m, ghi dấu ấn sâu sắc trong giới mỹ thuật Quảng Ninh ngày đó. Rất tiếc đến nay không còn, nhưng công của nhóm họa sĩ này không chỉ có vẽ mà còn tổ chức những lớp vẽ cho công nhân…và phong trào công nhân mỏ vẽ đã nổi tiếng cả nước đến mức chủ tịch Hội Mỹ thuật Trần Văn Cẩn thời đó phải tổ chức đoàn về thăm nhiều lần. Nhiều tác giả thành danh, từ phong trào "công nhân vẽ" mà các ông là những người khởi xướng và góp phần đào tạo lớp họa sĩ công nhân đích thực như Bùi Đình Lan, Ngô Phương Cúc, Tống Giang Minh… Những tác giả này đã đóng góp không nhỏ cho nền mỹ thuật Quảng Ninh và họ đều có tranh sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Mảng đồ họa có lẽ là đáng kể. Ông vẽ nhiều tranh chuyện cho nhà xuất bản Văn Hóa và đặc biệt những minh họa cho tạp chí Văn nghệ Quân đội trong hàng chục năm ròng. Đầu năm 2019 tạp chí Văn Nghệ đã tổ chức hẳn một triển lãm những minh họa của các họa sĩ tạp chí với những tên tuổi như Huy Toàn, Lưu Yên, Văn Đa, Quang Thọ, Vũ Duy Nghĩa…

Nhưng ông không chỉ vẽ mà còn là một cây bút lý luận phê bình Mỹ thuật. Ông đã cùng Hoàng Công Luận cho ra đời cuốn sách "Hội Họa cổ Trung Hoa – Nhật Bản" và nhiều bài báo giới thiệu phê bình… hoặc biên tập các bài lý luận phê bình mỹ thuật khác khi ông là trưởng Ban biên tập tạp chí Mỹ Thuật… Tiêu biểu nhất là bài viết công phu, nhiều tâm huyết nhất của ông đó là "Tổng quan Mỹ Thuật Việt Nam thế kỷ XX".

Tác phẩm Phong cảnh 1976 (màu nước) của họa sĩ Lưu Yên

Ông còn là thành viên Hội Đồng giám khảo ASEAN trong mấy cuộc thi Filip Moris và là thư ký, thành viên Ban biên tập chuyên ngành Mỹ Thuật Từ điển Bách Khoa Việt Nam.

Mỗi dịp kỷ niệm ngày mất của ông, giới Mỹ thuật luôn nhớ đến ông - một họa sĩ đôn hậu, ít nói…nhưng mỗi khi phải tranh luận cho chân lý nghệ thuật có lúc thấy ông to tiếng khi cần phải to tiếng, và chẳng ai giận ông vì ông cũng chỉ tham gia tranh luận về nghệ thuậtn nên ai cũng quý mến ông.

Tuy ít vẽ nhưng tranh, nhưng ông đã thử trải nghiệm qua hầu hết các chất liệu: Sơn dầu, sơn mài, lụa, mầu nước, mầu sáp, khắc gỗ…mảng đồ họa gồm tranh truyện, minh họa, bìa sách. Ngoài ra ông viết sách, tham gia từ điển Bách Khoa (phần Mỹ thuật) và nhiều bài lí luận phê bình khác…Ông quả là một tài năng đa diện.

Họa sĩ Ngô Quang Nam

(Nguyên Vụ trưởng Vụ Mỹ Thuật Nhiếp ảnh Bộ Văn hóa -Thông Tin)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/hoa-si-luu-yen-mot-tai-nang-da-dien-20200205173503703.htm