Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức vẽ như đang thở

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức luôn ẩn chứa một năng lượng nghệ thuật, sức sáng tạo không ngừng nghỉ.

Tác phẩm 'Hợp thể số 3', chất liệu tổng hợp - Nguyễn Thiện Đức.

Tác phẩm 'Hợp thể số 3', chất liệu tổng hợp - Nguyễn Thiện Đức.

Theo đuổi ngôn ngữ biểu hiện và trừu tượng, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức luôn ẩn chứa một năng lượng nghệ thuật, sức sáng tạo không ngừng nghỉ, với kỹ thuật tạo hình, tạo chất phong phú, giàu có, đầy đam mê.

Cùng Báo Giáo dục&Thời đại trò chuyện với người thầy đam mê hội họa và thành danh ở xứ Huế mộng mơ.

- Nhìn lại chặng đường nghệ thuật mấy chục năm qua với hàng chục giải thưởng mỹ thuật, hẳn đó là một hành trình đầy cảm xúc của họa sĩ?

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức: Ngành nghề nào cũng vậy, muốn đạt được dấu ấn luôn đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, đặc biệt đối với nghệ thuật thì đường đi còn chông gai hơn nhiều. Những gì có được hôm nay, tôi nghĩ mình là người may mắn.

Còn để có lời khuyên nào đó cho những người đi sau hoặc thế hệ sinh viên thì tôi chỉ có thể nói rằng: Muốn làm một việc gì, muốn theo đuổi một đam mê nào thì nên hết mình.

Có như vậy mới đạt được kết quả. Con đường lao động nghệ thuật vốn rất khác nhau, có những người đổ mồ hôi cả cuộc đời nhưng vẫn không được ghi nhận. Điều đó tôi rất thấm thía.

- Thuở nhỏ gia đình của họa sĩ rất khó khăn. Đó có phải là lý do khiến ông bước chân vào đại học, theo đuổi mỹ thuật chuyên nghiệp muộn?

Đúng vậy. Gia đình tôi không may mắn. Tuổi thơ của tôi cũng nhiều sóng gió, ít niềm vui. Chính đó cũng là một trong những động lực khiến tôi phải cố gắng nhiều hơn so với mọi người.

Khó khăn giúp tôi có được những kết quả như ngày hôm nay. Ở môi trường đại học tôi thường xuyên tiếp xúc với bài vở, với sinh viên, với các hoạt động nghệ thuật. Và khi đã là giảng viên tôi lại đặt cho mình mục tiêu cao hơn nữa, phải là tấm gương cho sinh viên.

- Trong quá trình thực hành hội họa, vì sao ông sử dụng nhiều chất liệu khác nhau?

Tôi tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài, vẽ sơn mài cũng khá nhiều, nhưng vì điều kiện công tác vừa giảng dạy, nghiên cứu, vừa sáng tác, do đó thời gian dành cho sơn mài của tôi không được như mong muốn. Chính vì vậy, tôi phải kết hợp nhiều chất liệu khác nhau để thỏa mãn năng lực sáng tạo của mình, như sơn dầu, acrylic, chất liệu tổng hợp.

Tôi vẽ hàng ngày, như một cách ghi nhật ký, vẽ như thở vậy, để lưu lại những cảm xúc, những ý nghĩ ùa đến bất chợt, vẽ mọi lúc mọi nơi; khi tôi vẽ trên giấy, trên máy tính, trên toan, trên vóc, và tôi coi đó là cách tôi đang đối thoại.

Qua những năm tháng lao động miệt mài, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức đã khẳng định được vị trí của mình trong làng mỹ thuật. Ảnh: NVCC.

- Ở thời điểm nào ông nhận thấy mình đã thành công?

Ồ, câu hỏi này thì hơi khó đối với tôi đó. Ngay từ năm 1993, tác phẩm vốn là bài tốt nghiệp của tôi đã được giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Tôi vẽ các công nhân làm dệt thảm len với chất liệu sơn mài.

Thời điểm đó giải thưởng như vậy là quá lớn đối với tôi. Nhưng tôi luôn nghĩ cũng chưa là chi cả, mình phải cố gắng hơn nữa. Cho đến bây giờ vẫn phải tiếp tục cố gắng. Đã làm nghệ thuật thì phải khám phá suốt đời.

- Năng lượng cảm xúc của người làm nghệ thuật rất quan trọng, có thể bị bào mòn theo thời gian. Với ông thì sao?

Bản thân tôi chỉ cần thời gian. Tôi có thể vẽ suốt ngày, có thể làm ra những tác phẩm mới không giống ngày hôm qua. Cái này tôi dám chắc 100%. Chị đến nhà tôi thì thấy đó, trong nhà rất nhiều tranh nhưng không có bức nào tôi vẽ trùng lặp nhau.

Tôi ít khi bằng lòng với những gì đã làm ra được hoặc vẽ ra được. Nhiều khi vẽ được vài ngày lại xoay tranh vào tường, bởi tôi thấy không ổn lắm. Hình như cuộc đời này quá ngắn, không đủ để mình tìm kiếm tất cả những gì mà mình thích. Tôi thấy nhiều người quá giỏi, vì sao cùng là con người mà họ có thể tạo ra những thành tựu rực rỡ, vĩ đại, kì diệu như vậy.

Đó là điều thứ nhất. Điều nữa là tôi thấy cái gì hay tôi cũng muốn thử, cũng muốn thí nghiệm, muốn tìm kiếm. Những cái mới luôn luôn lôi kéo tôi. Vì thế, kỹ thuật tạo hình tạo chất của tôi rất đa dạng phong phú. Tôi cảm thấy vui khi trang bị được cho mình nhiều công cụ trong ngành nghề.

Rất ít khi tôi vẽ cụ thể, bởi tôi muốn sử dụng ngôn ngữ của bán trừu tượng và biểu hiện trong hội họa của mình. Người xem có thể cảm nhiều hơn là hiểu. Tôi nghĩ khi vẽ cụ thể thì bức tranh đã giới hạn mức độ tư duy, mức độ tưởng tượng, nhưng khi chúng ta để một khoảng mở cho người xem suy nghĩ, phát triển tiếp tư duy trừu tượng đó thì sẽ mang lại cho tác phẩm sự đa nghĩa.

- Là người mạnh về bố cục hình họa cũng như luôn mở rộng các kỹ thuật, vậy vì sao gần đây ông lại thể nghiệm với những tác phẩm đi theo bộ như “Hợp thể số 3” gồm ba bức, “Hợp âm số 4” gồm 4 bức”?

Trong cuộc sống, chúng ta thường tiếp xúc với những khái niệm mang tính chất kết hợp giữa sự vật này với sự vật kia. Ví như, hội họa trong điêu khắc dân gian thường có bộ tứ linh, bộ bát quái, bộ tam tài, tứ thời… Trong một tác phẩm mỹ thuật tạo hình, người ta thường đòi hỏi sự hài hòa, đồng bộ, thống nhất với nhau về ngôn ngữ, thống nhất với nhau về cách sử dụng thủ pháp và màu sắc.

Nhưng tôi lại muốn thể nghiệm những loại không đồng bộ, song vẫn có thể đứng với nhau. Bởi vì, trong cuộc sống đương đại, có những thứ mặc dù không có lợi, không phù hợp, nhưng chúng ta cũng phải chấp nhận, thì vì sao trong nghệ thuật lại không được như vậy?

- Phải chăng, Huế cũng là một nguồn cảm hứng trong hội họa của ông?

Khi còn nhỏ, ấn tượng đầu đời của tôi về nghệ thuật gắn với hình ảnh ông ngoại - một nghệ nhân lành nghề xứ Huế. Ông tiếp cận, làm nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như chạm khắc gỗ, cẩn xương, cẩn xà cừ, rồi sơn son thếp vàng, hay vẽ các mẫu thêu.

Tôi đặc biệt thích thú những đồ nghề mà ông thường dùng. Hình như chúng đã ở trong tôi trước khi tôi theo học mỹ thuật chuyên nghiệp. Tôi được tiếp sức bởi cảm xúc, thẩm mỹ dân gian từ ông. Trong cách vẽ, trong ngôn ngữ tạo hình, trong cảm xúc hội họa của tôi có chất Huế, nhưng có lẽ nó tan biến hơn, không hữu hình giống như một số tác giả.

Tôi muốn dành một khoảng trống, một khoảng nghỉ để người thưởng thức chiêm nghiệm. Đó có thể là một khoảng rêu phong thành quách, có thể là một khoảng mờ sương, một màu tím Huế, một màu áo dài, màu nón lá Huế, nhưng nó không hữu hình. Tôi muốn khắc họa cái bề sâu, thuộc về hồn cốt.

Đôi lúc chúng ta cứ lặp đi lặp lại một mô-típ nào đó và chúng ta gọi là bản sắc thì tôi nghĩ cũng không nên. Bởi như vậy là ta đang dậm chân tại chỗ. Nhưng bản sắc được thể hiện với ngôn ngữ của trừu tượng thì sáng tạo hơn. Hôm nay khác và ngày mai cũng sẽ khác. Do đó, trong nghệ thuật của tôi rất khó tìm lại hai hình giống nhau.

- Huế ngày hôm nay đang thay đổi, có thể có những rạn vỡ, mất mát, nuối tiếc. Ông có cảm giác như thế nào về sự mất mát này trong suy tư nghệ thuật của mình?

Câu chuyện về Huế thay đổi từng ngày, Huế được hoặc Huế mất đều được tôi đưa vào trong tác phẩm. Có thể ở tác phẩm này nó ẩn dụ góc này, tác phẩm khác ẩn dụ góc khác. Tôi hay nhìn về những cái đã mất nhiều hơn là những cái được. Như thiên nhiên quanh ta chẳng hạn.

Đi qua những cánh rừng những quả đồi bị hư hại, tôi cảm thấy rất đau xót, giống như mình đã mất đi một điều gì vốn đã tồn tại trong chính mình. Ta có thể gặp ở nhiều nơi những công trình dở dang, những ruộng lúa bị phá hủy san lấp, những dòng sông chết, những bãi biển đầy nilon… Cảm giác rất đau xót.

Tôi luôn luôn bị giằng xé giữa cái nhân tạo và cái thiên tạo. Các tiện nghi vật chất được nhiều đấy, nhưng ngược lại là những mất mát không thể lấy lại được, kể cả trong văn hóa, trong đời sống, trong ứng xử giữa con người với con người.

- Vì sao ông vẫn chung thủy hội họa giá vẽ trong khi trước đó Nguyễn Thiện Đức được biết đến là người luôn tràn đầy năng lượng nghệ thuật mới?

Trước khi trả lời câu hỏi này thì tôi cũng xin nói rộng ra một chút. Năm 1999 tôi tham gia một triển lãm quốc tế tại Thanh Đảo - Trung Quốc. Triển lãm thu hút các nghệ sĩ từ hơn 60 nước trên thế giới và tôi là đại diện Việt Nam duy nhất.

Năm 2001 tôi đã triển lãm tại Viện Goeth Hà Nội với cụm đồ họa máy tính. Sau đó là năm lần liên tục triển lãm đồ họa máy tính tại Đức. Năm 2006 tôi tham gia một Festival phim Digital Art ở Chiềng Mai, Thái Lan, cũng là một liên hoan phim quốc tế đó.

Nói như vậy để thấy tôi vừa là một họa sĩ tạo hình, tôi nguyên là Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường Đại học Nghệ thuật Huế, tức là tôi tiếp cận với công nghệ máy tính, với design từ rất sớm. Tôi là người đầu tiên đem công nghệ máy tính về Trường Đại học Nghệ thuật Huế, cho tới bây giờ các thầy cô trẻ mới dùng.

Vừa sáng tác tranh tạo hình, tôi vừa sử dụng công nghệ máy tính để làm nghệ thuật, từ video art cho tới design rồi vừa nghiên cứu giảng dạy. Tôi biết rất rõ về ưu điểm và cả giới hạn của công nghệ, biết rất rõ khi nào thì chúng ta cần công nghệ và khi nào chúng ta cần cảm xúc thật của con người.

Chính vì vậy, sau khi thể nghiệm những dạng digital art như vậy, tôi vẫn quay về nghệ thuật truyền thống, với hội họa giá vẽ. Đó luôn là phương tiện tốt nhất để diễn tả cảm xúc con người thật của chúng ta một cách trực tiếp nhất, nhân bản nhất.

- Ông thấy sao khi cũng có ý kiến cho rằng các hình thức của nghệ thuật đương đại sẽ góp phần tăng tính biểu đạt nghệ thuật của nghệ sĩ, giúp họ thể hiện sâu sắc tiếng nói cá nhân?

Nghệ thuật đương đại chạm đến số phận, chạm đến cái đời thường của con người nhiều hơn. Song nếu sử dụng công nghệ mà không phải là người chuyên nghiệp thì chúng ta rất dễ trở thành nô lệ của công nghệ.

Hiện nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ hơi lạm dụng. Khi bước vào thế giới đó rồi bản ngã của chúng ta rất dễ bị thay đổi. Ta có thêm những phương tiện biểu đạt mới, nhưng ranh giới giữa sáng tạo với sự ảnh hưởng, sao chép rất mong manh.

Nghệ thuật giá vẽ thì khác. Trong giai đoạn công nghiệp 4.0 này, những ngành nghề tư duy theo lối thẩm mỹ truyền thống vẫn là lĩnh vực mà công nghệ máy tính khó có thể chi phối, thay thế.

- Thời gian tới ông có những dự định gì về sáng tác?

Trong năm nay dự định lớn nhất của tôi là quay về với sơn mài và vẽ những bức tranh tương đối dài hơi. Chặng đường tôi khai thác chất liệu tổng hợp là chặng đường mà tôi đang muốn tìm kiếm giới hạn của các kỹ thuật, chất liệu.

Cảm xúc của con người là tức thì và vô tận. Kỹ thuật thì bao giờ cũng có giới hạn, không thể nắm bắt kịp. Chất liệu sơn mài lại càng khó nắm bắt. Chính vì vậy, tôi phải bước ra khỏi giới hạn đó để tìm kiếm những kỹ thuật, những cách biểu hiện mới để đủ sức diễn tả, nắm bắt được cảm xúc tức thì của mình.

Sau đó, tôi lại lấy kỹ thuật ấy bước về lại sơn mài để làm đa dạng hơn, linh hoạt hơn kỹ thuật của cha ông mình. Điều này thật ra cũng không mới. Ví dụ như ông ngoại tôi đã sử dụng rất nhiều kỹ thuật, ông gắn cái này, ông ráp cái kia, chỗ thì ông mài phẳng, chỗ ông đắp nổi, khi ông cạo khi ông tô màu.

Chính ngôn ngữ mỹ thuật dân gian đã rất phong phú. Nhưng ở thời điểm hiện nay tôi thấy cách vẽ sơn mài của chúng ta hơi bị gò bó bởi những quan niệm về kỹ thuật chặt chẽ quá. Điều ấy làm giới hạn cảm xúc.

Nếu chịu khó nghiên cứu rồi bước ra khỏi giới hạn đó, chúng ta sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho nghệ thuật sơn mài. Đó là ước nguyện của tôi và bắt đầu từ năm nay tôi sẽ quay về với sơn mài, với giá trị cốt lõi mà tôi được đào tạo bài bản, được thực hành nhiều năm qua. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc với dự định này.

- Xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Thiện Đức về cuộc trò chuyện này!

Tác phẩm 'Xuân tình', acrylic - Nguyễn Thiện Đức.

Tiến sĩ, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức sinh năm 1964 tại thành phố Huế. Hiện, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế.

Qua những năm tháng lao động miệt mài, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức đã khẳng định được vị trí của mình trong làng mỹ thuật, với hàng loạt giải thưởng giá trị tại các triển lãm khu vực, triển lãm toàn quốc, giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải thưởng từ các cuộc thi thiết kế đồ họa.

Ông có tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế sưu tầm. Ông cũng là một trong những nghệ sĩ sớm tham gia các triển lãm mỹ thuật, triển lãm đồ họa quốc tế diễn ra ở Mỹ, Đức, Trung Quốc, Thái Lan. Với Nguyễn Thiện Đức, hội họa là một phần không thể thiếu của cuộc sống, đem đến cho ông nguồn năng lượng bất tận.

Anh Thư (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoa-si-nguyen-thien-duc-ve-nhu-dang-tho-post630795.html