Họa sĩ thiên tài đam mê nghiên cứu cơ thể người

Không chỉ là người nghệ sĩ vĩ đại bậc nhất lịch sử, Leonardo da Vinci còn là một nhà tư tưởng Phục Hưng xuất chúng với thành tựu trong nhiều ngành.

Không chỉ là người nghệ sĩ vĩ đại bậc nhất lịch sử, Leonardo da Vinci còn là một nhà tư tưởng Phục Hưng xuất chúng với thành tựu trong các ngành khoa học, công nghệ, kiến trúc và toán học. Ông xem quan sát như một công cụ nghiên cứu thiết yếu, cho rằng nghệ thuật và khoa học là hai lĩnh vực sản sinh tri thức sáng tạo quan trọng ngang nhau.

Cột mốc

Tác phẩm đầu tiên: Năm 1473, vẽ bức Truyền tin, tác phẩm xưa nhất của ông còn tồn tại, khi đang học việc với Verrocchio.

Chuyển đến Milan: Năm 1483, thiết kế những dự án quân sự và kỹ thuật cho Công tước xứ Milan.

Kỹ sư quân sự: Năm 1502, tại Rome, làm việc cho Cesare Borgia, khảo sát và vẽ bản đồ với độ chính xác cao.

Ghi chép cá nhân: Từ năm 1504, sau cái chết của cha, dành nhiều thời gian phác thảo và ghi chép trong sổ tay cá nhân.

Vua mời đến Pháp: Khoảng 1516, được Vua François I mời sang triều đình Pháp, mất tại đây vào năm 1519.

Chân dung Leonardo da Vinci. Nguồn: BBC.

Leonardo da Vinci sinh năm 1452 ở gần thị trấn Vinci, Tuscany, Italy. Dù chỉ là con ngoài giá thú của Piero, một viên lục sự Florence, và Caterina, một phụ nữ nông dân, ông vẫn được ăn học tử tế. Thời niên thiếu, ông tập sự với Verrocchio, họa sĩ bậc thầy ở Florence, học hỏi các nghề kim hoàn, điêu khắc, hội họa, cộng thêm toán học và khoa học.

Vừa có cặp mắt nghệ sĩ tinh tế, da Vinci vừa sở hữu niềm khát khao bất tận dành cho khoa học và cơ khí. Năm 1469, ở tuổi 17, ông giúp Verrocchio chế tác một khối cầu bằng đồng mạ vàng nặng 1,8 tấn, sau đó đưa lên lắp đặt trên đỉnh mái vòm nhà thờ chính tòa Florence. Ông đã mê mẩn ngắm hệ thống cần trục vận hành, đưa khối cầu lên độ cao 114 m.

Nhân phẫu học

Theo đúng bài bản tại trường hội họa trong thời Phục Hưng, khi tập sự, da Vinci được truyền thụ kiến thức cơ bản về cấu tạo cơ thể người. Ông nghiên cứu bộ xương và các kết cấu cơ bắp. Nội dung sổ ghi chép (nhiều phần được soạn sau này, nhưng vẫn sử dụng chủ đề cũ) cho thấy một trong những đam mê chính của ông là cơ thể học.

Sau năm 1483, khi da Vinci vào làm việc cho Công tước Ludovico Sforza tại Milan, một trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu, nhiều khả năng ông đã bắt đầu thực hiện giải phẫu. Về sau, ông thừa nhận từng thực hiện khoảng 30 cuộc giải phẫu trong suốt sự nghiệp của mình.

Biết cách nhìn

Với da Vinci, hội họa cũng là khoa học, chủ yếu bởi vì khi ở trong tay một người họa sĩ đích thực, nó có khả năng trở thành “thứ duy nhất bắt chước được tất cả những công trình biểu hiện trong tự nhiên”. Công cụ chính yếu của hội họa là quan sát.

Nói về quan sát, da Vinci đưa ra câu châm ngôn saper vedere, nghĩa là phải “biết cách nhìn” đối tượng mình sẽ vẽ. Không như điêu khắc gia, họa sĩ phải biến khung cảnh hoặc vật thể ba chiều thành hai chiều, mà muốn làm được vậy, cần nắm vững các nguyên tắc toán học và quang học.

Hết mực đề cao cơ sở toán học của hội họa, da Vinci cho rằng hình học và tỷ lệ là hai nhân tố quan trọng để đạt được phối cảnh. Ông đặc biệt quan tấm đến công trình của nhà toán học Leonardo Fibonacci, người tìm ra mối liên quan giữa các dãy số và dạng thức hình học (tr.44).

Tăng độ chính xác

Từ năm 1502, da Vinci phục vụ chính khách Cesare Borgia tại Rome. Ông tiến hành một loạt các cuộc khảo sát và vẽ bản đồ, sử dụng góc nhìn trên cao thay vì góc xiên truyền thống. Để đo khoảng cách đường lộ và quảng trường, ông cẩn thận đi từ đầu này sang đầu kia. Máy kinh vĩ, một thiết bị quang học dùng để đo góc, bấy giờ mới được phát minh. Nhờ dùng nó, ông đã đạt đến độ chính xác cao chưa từng thấy.

Nổi danh là nhà tư tưởng kiêm nghệ sĩ xuất sắc vô song, vào năm 1516, da Vinci được Vua François I mời sang Pháp. Những năm cuối đời, không bị ràng buộc bởi các hợp đồng vẽ tranh, ông tập trung viết bài nghiên cứu về mọi chủ đề, từ giải phẫu học cho đến kỹ thuật thủy lực. Do sức sáng tạo quá bao la, ông không đủ thời gian hoàn tất công việc nên không thể xuất bản công trình.

Sổ tay da Vinci chứa đầy những bức vẽ cơ thể con người. Thời còn học nghề hội họa, ông từng học qua nhân phẫu. Đến khoảng năm 1490, với ông, nhân phẫu đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu chuyên biệt.

Hết mực đề cao cơ sở toán học của hội họa, da Vinci cho rằng hình học và tỷ lệ là hai nhân tố quan trọng để đạt được phối cảnh. Ông đặc biệt quan tâm đến công trình của nhà toán học

Bên cạnh những sơ đồ thực tiễn, được ứng dụng trong kỹ thuật, kiến trúc và sinh lý, kho tàng phác thảo của da Vinci còn bao gồm bản thiết kế máy bay (kh.1490). Ông gọi thiết bị này là “máy bay cánh chim”.

Da Vinci còn phát triển lối viết ngược để bảo mật.

13.000 trang ghi chép (phác họa bằng bút và mực) của ông hiện vẫn còn lưu truyền.

Leonardo Fibonacci

Nhà toán học Italy Leonardo Fibonacci có công quảng bá chữ số Ấn Độ-Ả Rập.

Sinh ra tại Pisa, Fibonacci (kh.1170-1250) biết đến hệ chữ số Ấn Độ-Ả Rập lúc ở Algeria để giúp cha làm nghề buôn bán. Ông theo học các nhà toán học Ả Rập, rồi đúc kết kiến thức thành hai tác phẩm Sách tính và Hình học ứng dụng. Dãy số Fibonacci (0, 1, 1, 2, 3, 5, 8,...), với mỗi phần tử luôn bằng tổng hai phần tử nằm ngay trước nó, là do ông lập. Bình phương của mỗi giá trị trong dãy có thể được vẽ ra, sau đó sắp xếp để tạo hình xoắn ốc.

DK/Đông A - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoa-si-thien-tai-dam-me-nghien-cuu-co-the-nguoi-post1466566.html