Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Nổi tiếng - phiền phức và nguy hiểm

Họa sĩ Trần Nhật Thăng là con trai của Đạo diễn/ NSND Trần Văn Thủy. Bản thân anh là một họa sĩ tài danh nhiều người biết tới, chia sẻ về ý nghĩa của 'sự nổi tiếng' trong cuộc sống của mình.

“Lúc nhỏ tôi hay đọc và ghi lại những câu danh ngôn vào một cuốn sổ nhỏ. Những quan niệm, những cách nhìn của hiền nhân cứ thế đi theo cả cuộc đời. Giờ thì cũng không biết cuốn sổ nhỏ đó ở đâu nữa, nhưng ý nghĩa vẫn còn nguyên trong đầu. Mà cũng lạ, tôi chỉ nhớ ý nghĩa của câu nói đó chứ không để tâm và nhớ đó là câu nói của ai. Rất ít khi nhớ một cái tên cụ thể. Họ là những nhà văn, triết gia nổi tiếng.

Khi đến năm 30 tuổi, tôi thấy sự nổi tiếng cũng là cái gì đó hấp dẫn, hay ho. Sau một thời gian, tôi lại thấy nó phiền phức và nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ nó làm ta phân tâm, khó tập trung cho công việc quan trọng bậc nhất là tư duy. Lại sau một thời gian, cho đến bây giờ, tôi thấy nó cũng bình thường thôi, không phiền phức nữa. Khi biết bỏ qua những thứ rườm rà, phiền phức mà sự nổi tiếng mang lại, ta vẫn là ta, còn lại ta với chính ta”.

“Phía sau sự nổi tiếng là số phận. Những trí sĩ mà tôi được biết có nhiều bi kịch phía sau. Bi kịch có thể đến từ tài năng. Bi kịch có thể đến từ cá tính nghệ sĩ. Bi kịch có thể đến từ số phận tiền định. Bi kịch có thể đến từ phúc phận tổ tiên…

Nhưng dù sao, theo tôi, những nhân vật nổi tiếng đó họ không quan tâm lắm tới chuyện bi kịch. Họ là những con người đốt cháy mình cho đam mê, có lẽ với họ định nghĩa hạnh phúc khác với số đông nghệ sĩ khác.

Hạnh phúc là hi sinh!”

“Hạnh phúc với người nổi tiếng thì dễ hay khó? Theo tôi hạnh phúc và người nổi tiếng thì không liên quan đến nhau lắm. Nếu mục đích của nổi tiếng là để dễ dàng kiếm tiền, danh lợi, thì hạnh phúc có thể đến. Bằng không, ngược lại, sự nổi tiếng chỉ mang lại phiền phức và tai họa. Hẳn chúng ta không quên những vụ tự tử của nhiều nhà văn, ca sỹ, diễn viên nổi tiếng thế giới.

Vậy hạnh phúc khó hay dễ là tùy người.”

“Với tôi, “bình yên” là một khái niệm sang trọng. Con người ta đã đi tìm nó cả cuộc đời.
Khi không tham, thì ta thỏa mãn hài lòng. Vậy có được bình yên ngày hôm nay thì phải hiểu mọi vấn đề một cách đúng đắn từ ngày hôm qua. Và tất nhiên, để ngày mai bình yên thì phải chuẩn bị từ ngày hôm nay. Nhờ trời, tôi được bình yên mỗi ngày”.

“Giữ được cân bằng trong khi vẽ chính là bình yên trong tâm. Khi vẽ, mình đối diện với chính mình, vượt qua chính mình. Và khi đối diện với chính mình, ta phủ nhận mình của ngày hôm qua, không vẽ bức tranh ngày hôm qua. Đấy là một quá trình hủy hoại và tái sinh không ngừng. Từng giây phút qua từng bức tranh. Tôi không níu kéo hay nuối tiếc quá khứ - những bức tranh đã vẽ. Hoặc tôi tàn nhẫn phủ nhận nó để tái sinh cái mới. Chính sự “tàn nhẫn” này lại là gốc rễ của sự cân bằng trong khi vẽ. Vẽ những bức tranh mới - Nói một câu chuyện mới về chính mình”.

“Tôi nghĩ nhiều trước khi vẽ. Triển lãm cá nhân lần thứ mười, “Chân dung tự do” năm 2009. Sau chín năm, tôi mới vẽ lại và bày triển lãm “Miền” năm 2018. Nghĩ chín năm là kỹ rồi, đặt bút là “ăn” luôn. Ý nghĩ đó, cảm xúc đó, khung cảnh đó chỉ có thể ở khoảnh khắc đó. Sang khoảnh khắc khác sẽ là câu chuyện khác, bức tranh khác. Vậy là bút chỉ chạy trên mặt toan một lần, giữ cảm xúc nguyên bản.

Ý nghĩ và hành động này hơi giống những nhát kiếm của Samurai. Tôi thích như vậy.”

“Tôi không trốn tránh sự u ám của cuộc sống và cũng không đối mặt. Tôi chủ chương hòa hợp. Và khi đã hòa hợp rồi thì vẽ là vẽ thôi, không cần thoát ra.

Gia đình tôi là điểm tựa ấm áp. Chính xác là như vậy!

Các con tôi khỏe mạnh lành lặn, rất yêu bố. Tình cha con, mẹ con như cái nợ đồng lần. Phần lớn các tác phẩm văn học nói về đề tài này. Và cứ thế con người sinh ra và phát triển từ tế bào gốc - đó là Gia đình. Ở cương vị một người cha, thì có gì quý hơn tình yêu của con cái. Và đứng trên cương vị một người chồng, có gì quý hơn sự chung thủy của vợ. Họ đứng xếp hàng phía sau tôi, chờ đón tất cả. Đôi khi là sự thất bại trong vấn đề tài chính. Đôi khi là niềm vinh quang từ một triển lãm hay cuộc đấu giá. Và đôi khi là niềm hạnh phúc khi giúp được vài bệnh nhi ung thư.

Gia đình tôi là một nhóm đoàn kết!”

“Vẽ là tu thân. Mà khi đã tu thân được thì mình sẽ thành người tốt, có cách nhìn đúng đắn. Và “giữ lửa hạnh phúc” thì chính là việc của một người đàn ông đứng đắn.

Đôi khi tôi cũng rối trí một chút về vấn đề tài chính. Mà vấn đề này thì là của chung nhân loại. Nhưng như trên tôi đã nói, vợ con chẳng bao giờ phàn nàn gì, nên tôi cũng yên lòng. Câu chuyện ở đây bắt đầu hé ra một khái niệm. Đó là phúc phận của một họa sỹ - nghệ sỹ.”

“Về năng lượng tích cực, tôi không muốn nói cuộc đời ngắn hay dài. Nhưng tôi biết trân quý cuộc sống. Một ngày tôi chọn một niềm vui. Nhiều lý thuyết chỉ là giả dối. Vậy đơn giản với tôi là không tham, sống thật tâm, sống thật lòng. Thế thôi, mà bỗng nhiên thấy sống thoải mái lắm rồi.

Tôi bận hưởng thụ cuộc sống, không có thời gian toan tính và lo lắng.”

“Niềm vui một ngày của tôi là nghe giọng nói của các con, thức dậy bằng tiếng chim hót. Tôi nuôi ba chú Họa mi và ba chú Gáy. Và cứ sáng sớm là chúng hót đánh thức tôi dậy. Tôi có vấn đề với chuông báo thức (cười). Với một đứa trẻ đã là hạnh phúc. Mà với tôi có tận ba cô con gái - ba niềm hạnh phúc như thế, à bốn chứ, tính cả vợ. (cười)”.

“Tôi hiểu hành trang quan trọng nhất bước vào đời là một tâm hồn trong sáng. Hàng ngày, hàng giờ, tôi muốn trao nó cho các con tôi. Nếu thành công, tôi sẽ góp được ba cô con gái tâm hồn trong trẻo cho cuộc đời.

Hạnh phúc lắm thay”.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoa-si-tran-nhat-thang-noi-tieng-phien-phucva-nguy-hiem-tintuc423437