Họa sĩ Trần Nhật Thăng và ký ức 'nghèo đến chẳng biết mình nghèo'

Như biết bao cô, cậu bé lớn lên trong cái nghèo đói của những năm sau chiến tranh, ký ức của Thăng xoay quanh cái tivi, những que kem hóa học...

Tôi vẫn luôn tự hỏi bản thân rằng, phải chăng nghệ sĩ là những người mãi không lớn, phải chăng họ cứ mãi trẻ con, mãi rong chơi, phá phách trong cái chốn mà họ gọi là sáng tạo nghệ thuật ấy.

Nhiều khi tưởng rằng họ đang căng não, quần quật ném mình vào một công trình nào đó trọng thị lắm, thế rồi hoảng hốt nhận ra họ đang nghịch chứ nào có nghiêm túc. Trần Nhật Thăng hẳn nhiên cũng góp mặt mình trong số người thích nghịch đấy, thậm chí anh còn thẳng tay nghịch trong chính phong cách sáng tác của mình.

"Nghèo đến chẳng biết mình nghèo"

Như biết bao cô, cậu bé lớn lên trong cái nghèo đói của những năm sau chiến tranh, ký ức của Thăng cũng xoay quanh cái tivi mà cả xóm đến xem, những que kem hóa học tụi nhỏ chia sẻ cho nhau như bảo vật.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng

“Tôi sinh ra ở nhà hộ sinh Hàng Bún, nghèo đến chẳng biết mình nghèo, chỉ biết bố mẹ ở nhờ trong một nhà gỗ ven sông khu An Dương, rồi thì chiến tranh sơ tán, giờ đọng lại trong tôi chỉ còn những màu, những sắc của làng hoa Ngọc Hà. Hoa, quanh tôi như thể chỉ có hoa thôi”, Thăng kể.

Khác chăng là ký ức của anh hiển thị bằng ấn tượng, câu chuyện, bằng hình, bằng màu, bằng những con búp bê, đạo cụ, những thước phim hoạt hình chạy xoành xoạch, hay từng buổi chiếu phim tài liệu của bố mà được đi xem đã là điều hãnh diện. Thế giới của Thăng bắt đầu hình thành với đủ mọi xúc cảm phức tạp mà một cậu bé không thể nào hiểu nổi.

Bức tranh đầu tiên hiện diện trong nhà anh là khi bố đi Nga về, mua lại căn nhà của bác Phan Vũ. Những người đàn bà xa lạ, mùa thu vàng, tượng khỏa thân, chồng đĩa than… chúng ở đó, và cứ ở đó cho tới tận bây giờ cùng những đèn chùm ốp tường pha lê bố mang từ Nga về. Nhưng chúng chẳng gợi trong anh bất cứ thứ gì ngoài kỷ niệm.

Thậm chí, dù bố mẹ có mong đợi mà cho anh đi học vẽ từ hồi lớp 4, Thăng cũng không thể hiện ra một chút gì cái gọi là năng khiếu, chỉ vẽ… vậy vậy.

Tôi bước vào đời sống gia đình nhẹ nhàng lắm. Tuổi trẻ cũng máu lửa, yêu đương, gái gú, nhưng khi có con, tôi lại là một ông bố. Có những đêm say khướt với lũ bạn, sáng hôm sau vẫn điểm danh nhau trước cổng trường, mỗi thằng đèo một đứa con.

Khi có con, tôi thấy tôi đủ đầy hơn, biết chăm sóc, biết yêu thương, có tiền thì cả nhà đi du lịch, khi túng thiếu thì nhịn, nhưng chúng lớn lên, rồi một ngày nào đó có chồng… tất cả đều là những gạch đầu dòng cần thiết.

Giống như câu vẫn hằn trong xúc cảm tôi: Càng trở nên thinh lặng và hòa điệu với hiện sinh, bạn càng thấy rõ không cần đến ý nghĩa nào khác. Tự thân hiện sinh đã là toàn mãn.

Trần Nhật Thăng

Tới tận khi ngồi trên ghế Đại Học mỹ thuật năm thứ 3, anh cũng từng nghĩ tới chuyện liệu mình có sai không, và không vẽ mình sẽ làm gì, vì “không biết hướng sáng tác như thế nào”. Không biết nên đành chăm chỉ học tiếp, sáng học hình họa, chiều trang trí, khắc gỗ, đồ họa.

“Tôi không lo sợ cho tương lai, mà chỉ hoang mang không biết ra trường sẽ vẽ cái gì, xem tranh của các danh họa trên thế giới thấy họ giỏi quá, nhưng đó là một nền văn hóa khác, một thứ cực kỳ xa lạ với mình”, Thăng tâm sự.

Mọi thứ cứ vầy vậy trôi qua, cho tới năm thứ 4, Thăng gặp họa sĩ Đỗ Minh Tâm, người đã theo đuổi trừu tượng từ những năm 1985, anh mới hiểu mình thuộc về nơi nào, và anh sống trong thế giới tranh trừu tượng của thầy suốt hai năm, cũng nhảy từ khoa tranh in sang khoa hội họa.

Cho tới năm 1997, triển lãm đầu tiên của Trần Nhật Thăng ra đời ở Factory số 6 Nhà Thờ, mang tên “Con đường mây trắng”.

Từ đó, giới hội họa Việt Nam xuất hiện một họa sĩ trẻ với vẻ ngoài ưa nhìn, lấy trừu tượng là ngôn ngữ biểu hiện, một kẻ cần mẫn, luôn nhắc cho công chúng nhớ tới mình bằng một loạt các triển lãm xuất hiện liên tục, hai, ba năm một lần. Một kẻ không khiến công chúng hình dung bằng từ lập dị hay điên, nhưng chịu chơi, không muốn tự lặp lại mình, mỗi triển lãm lại là “một Thăng mới”.

“Giờ nhìn lại, tôi quả đã làm khó mình đủ rồi, khó đến mức ép mình vào tận cái miền đen - trắng ấy ở triển lãm năm 2009, đơn giản đến chỉ còn là những nét chổi đơn, khó như thể tự đập đầu vào tường rồi”.

Rồi đến triển lãm thứ 13, Thăng lại tiếp tục xuất hiện mà không theo một trường phái nào, thích vẽ gì thì vẽ thế, từ chân dung, tới một cái ghế, bức kiệm màu, bức hỗn độn, có bức chỉ dùng đất trên nhà cô em bôi quét cũng lên…

Giống như thể cái tinh thần của hai chữ “Miền không“ đã thấm đẫm trong tâm thế người họa sĩ khi sáng tác, đầy đốn ngộ, thông thoáng, thư thái, thả lỏng, dẹp bỏ mọi sự khắt khe với chính bản thân mình, cũng chẳng biểu đạt bất cứ một tư duy nào.

Xin đừng cố tìm tòi trong bất cứ sáng tác nào của Thăng một cách thể hiện, sự phản kháng, đồng thuận… từ bất cứ vấn đề xã hội, môi trường, luân lý, đạo đức, tình yêu, tự nhiên, cho tới chính trị.

Tranh của Thăng chỉ thuần cảm giác. Anh dùng sự biến thiên trong màu sắc, nhát, nét, quệt, rong ruổi qua từng triển lãm, tưởng rằng không thống nhất phong cách, nhưng lại chính là một phong cách duy nhất rất Trần Nhật Thăng, kéo dài ra tới chính cuộc đời mình.

Đi tìm một Thăng rất khác

“Từ cuốn sách “Con đường mây trắng” đầu tiên mà thầy Đặng Quý Khoa tặng tôi, đến giờ tôi đã có trọn bộ của Osho. Tôi thấy tôi đã tìm ra một cánh cửa tư tưởng giải thoát rất hay. Bạn không thể đoán định đc một đám mây trắng đi về đâu, bạn không thể làm thất vọng đám mây trắng”.

Có trọn bộ Osho, nhưng anh không đọc hết, cũng không ép mình hiểu hết, mà đọc và cảm về nó với những xúc động đủ mình anh hiểu. Có lẽ cũng chỉ như đám mây trắng trên trời kia, hiện diện ở đó, nào biết tới niềm vui, màng chi những điều ý nghĩa, ừ thì mình cứ là mình thôi.

Một ngày, bạn bè nghe tin Thăng đưa xưởng vẽ lên ngang đèo trên Vân Hồ, ai cũng nghĩ ngẫu hứng dựng lên rồi cũng phải về thôi vì sống kiểu gì, còn chán nữa. Thế nhưng anh vẫn cứ ở đó suốt 3 năm nay, sống cạnh những người Mường hồn hậu, sáng thức dậy bằng tiếng cười hàng xóm, chiều uống trà trong tiếng vợ chửi chồng, nghèo nhưng lúc nào họ cũng rủ anh nghệ sĩ “sang ăn cơm tối đi”.

Sống giữa thiên nhiên, dưới là mó nước đầu nguồn, mở vòi uống trực tiếp, rau mở cửa tiện tay vặt, cứ có đất là cỏ dại mọc lên, ngẫm lại quả là một trạng thái tâm lý thú vị và hạnh phúc. Thậm chí nhìn lại mảnh đất này, anh chỉ hình dung đúng bằng một từ “thuận”.

Nghe có vẻ mê tín, nhưng cứ tin vào một cái gì đó đi, tin để thấy cuộc sống mình đơn giản hơn, không làm sai, không e sợ, biết hy vọng nhưng không vô minh, sống thanh thản, vui vẻ.

“Một ngày nào đó, tôi muốn rằng sẽ chẳng ai nhận ra tôi khi ngồi giữa đám đông nữa, và tôi sẽ học được cách đứng ở tâm thế của người khác mà nói, khiến mọi người cười phá lên. Sống như thế có lẽ sướng lắm”, Thăng nói.

Nhưng sống như thế nào có dễ dàng gì, vì khi cứ phải đặt mình vào não trạng người khác, cũng đồng nghĩa anh phải coi mình là số 0 tròn trĩnh, phải quên mất mình đi, triệt tiêu cái tôi cá nhân, cái quan điểm riêng, cái tự đắc, căng cứng, cái ngạo mạn, phải bỏ sạch mọi thứ linh tinh tạo ra con người độc lập này.

Nhưng thế có sao, bởi khi cởi sạch rồi, anh có thể là một “hoàng đế cởi truồng” kệch cỡm, hoặc đến khi hiển hiện trong mắt người khác lại là một cái tôi tên “Thăng” rất riêng. Và hẳn nhiên là con đường đó cũng không xa lắm đâu.

Ngọc Lương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hoa-si-tran-nhat-thang-va-ky-uc-ngheo-den-chang-biet-minh-ngheo-d548497.html