Họa sỹ chỉ có… một ngón tay

Người có đủ mười ngón tay, nhưng nếu không có "hoa tay" và sự kiên trì học hỏi thì chưa chắc đã có thể trở thành người vẽ. Thế nhưng chàng thanh niên Nguyễn Tấn Hiền (SN 1978, quê thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk) chỉ có duy nhất một ngón tay còn khả năng cử động được lại chọn nghiệp vẽ. Suốt 6 năm kể từ ngày gặp tai nạn khiến tàn phế, ngồi trên xe lăn trong Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng, Hiền đã vẽ được hàng trăm bức tranh và tác phẩm của anh được nhiều người tìm mua.

Chàng họa sỹ trưởng thành từ… giường bệnh Chàng trai dáng người nhỏ nhắn nhưn luôn nở nụ cười trên môi nhớ lại, năm 2002, khi đang là sinh viên theo học khoa Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Đăk Lăk, trong một lần đi dạy kèm về, anh gặp một tai nạn giao thông khiến xương cổ bị gãy, rồi dẫn đến liệt toàn thân. Bệnh tật, eớc mơ trở thành thầy giáo vụt tắt. Thay vào thời gian đến lớp là những tháng ngày gắn mình trong bệnh viện. Gần 3 năm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng sức khỏe vẫn không khả quan. Năm 2005, Nguyễn Tấn Hiền ra Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để tiếp tục "chiến đấu" với thương tật. Không bạn bè, không người thân thích chăm sóc, anh Hiền lặng lẽ sống một mình. Hiền kể lại: "Không thể phí hoài thời gian chỉ để rên rỉ, than trách số phận, tôi cố gắng gạt qua mọi đau buồn bằng cách tìm thú vui trong hội họa, dù chỉ còn duy nhất một ngón tay cái có thể nhúc nhắc được". Hiền quyết tâm tự học vẽ trong thời gian nằm viện. Không có thầy chỉ dạy, anh tự học qua sách, tự mày mò sáng tạo. Các cuốn sách dạy hội họa mà những người bạn ở Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh gửi ra được Hiền đọc đi đọc lại. Những ngày đầu cầm bút, Hiền gặp rất nhiều khó khăn. "Ngòi bút lúc đầu còn nguyệch ngoạc chưa thành nét, hai bả vai tê lại, ngón cái có khi cứng đơ vì sử dụng nhiều", Hiền nhớ lại. Thế nhưng lòng đam mê đã chiến thắng sự mệt mỏi, đau đớn của thể xác. Từ những bức tranh đầu tiên vẽ bằng bút chì, đến nay Hiền đã có thể vẽ được tranh màu. Các bức họa của anh hầu hết đều có đề tài về những vùng quê. Hiền vẽ theo... trí nhớ về những cảnh vật ở những vùng đất mà mình đã đi qua, có khi theo tưởng tượng, có khi lại dựa theo các bưu ảnh được bạn bè mua giúp. Những người "có nghề" sau khi xem tranh của Hiền đều nhận xét, tuy chưa sắc sảo về đường nét nhưng hầu hết các bức tranh đều rất có hồn. Cảm phục trước sự kiên trì và lòng say mê hội họa của Nguyễn Tấn Hiền, bà Virgnia Lockett, quốc tịch Mỹ, một chuyên gia tình nguyện đang cộng tác tại bệnh viện đã giới thiệu tranh của anh lên mạng internet (www.tamspub.com/tams litte art gallery). Đến nay, đã có nhiều người biết đến họa sỹ nghiệp dư Nguyễn Tấn Hiền và mua tranh của anh. Điều đặc biệt, Hiền không bao giờ đặt giá cho các bức họa của mình mà người mua trả bao nhiêu tiền là tùy tâm, tùy vào tấm lòng và niềm say mê của người mua. Chuyện tình cảm động Cảm phục nghị lực của người bệnh nhân có nghị lực phi thường, một cô gái là kỹ thuật viên phục hồi chức năng hiện đang làm việc tại bệnh viện nơi Hiền điều trị đã mang lòng cảm mền. Cô gái kể lại: "năm 2006, khi mới là một sinh viên thực tập tại Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng, biết chuyện anh ấy, tôi đã thấy cảm phục, rồi yêu mến người thanh niên tật nguyền biết vượt qua nỗi đau trở thành người có ích cho đời". Thế nhưng tình yêu của đôi trẻ này cũng đã gặp không ít tắc trở. Nghe tin con gái mình đem lòng thương yêu một người tàn tật, gia đình cô gái đã cấm đoán quyết liệt bởi theo bố mẹ cô, kết hôn với một người tàn tật thì sẽ khổ suốt đời. Thế nhưng dù cấm đoán thì đôi trẻ vẫn quyết tâm đến với nhau. Bốn năm không thấy con gái thay đổi ý định, gia đình cô gái cuối cùng cũng đã xiêu lòng. Hiền nói: "Bọn em cảm thấy rất hạnh phúc. Năm nay, dự định chũng em sẽ đưa nhau về thăm gia đình hai bên để ra mắt, xin phép và tính ngày cưới xin". Niềm động viên cho những người cùng cảnh ngộ Một bức tranh sơn dầu do họa sĩ Nguyễn Tấn Hiền sáng tác. Cho đến bây giờ, Nguyễn Tấn Hiền đã trở thành một "người nhà" của Bệnh viện điều dưỡng. Anh được các bác sỹ cho đi tham dự lớp học tâm lý ở Nha Trang và đã trở thành tình nguyện viên, nhân viên đồng đẳng của bệnh viện. Gặp Nguyễn Tấn Hiền, không ai nghĩ anh đã phải chiến đấu với thương tật suốt mấy năm trời. Khuôn mặt dù gầy ốm vì sự dày vò của thể xác không bao giờ thiếu nụ cười. Anh vẫn lạc quan sống dù biết chắc chắn rằng, cả cuộc đời này sẽ không thể tách khỏi chiếc xe lăn. Nụ cười của con người bất hạnh này chính là niềm động viên những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện điều dưỡng. Anh trở thành tấm gương về nghị lực phi thường, về sự lạc quan sống. Bệnh nhân Hồ Viết Phương (sinh năm 1983) quê ở Huế mang trong mình căn bệnh u tủy sống cũng gắn mình trên chiếc xe lăn. Cậu sinh viên Đại học Kiến trúc Hồ Chí Minh đã rất chán nản khi phải bỏ dở việc học hành. Tuy nhiên, cậu nhanh chóng lấy lại tinh thần sau khi gặp anh Hiền. Hiện tại, Phương cũng đang học vẽ và sáng tạo nên những bức tranh dán giấy. Phương tâm sự "Anh Hiền rất khó khăn trong việc vận động vậy mà vẫn vẽ tranh được dù chỉ bằng một ngón tay cái. Nhìn anh ấy mà em thấy xấu hổ vì mình cứ buồn bã. Anh ấy đã truyền lửa cho em, không chỉ nghị lực vượt qua số phận mà cả niềm tin với những tác phẩm mình tạo nên... Chia tay Hiền, anh cho biết thêm dự định thời gian tới sẽ xin làm tình nguyện viên tâm lý để mỗi khi có bệnh nhân mới nhập viện. "Từ bài học của mình, tôi muốn động viên để họ sớm vượt qua bệnh tật, trở thành người sống có ích", Hiền nói. Bùi Ngọc

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=5756&lang=vn&zone=4&zoneparent=0