Hoài Đức (Hà Nội): Chậm giao đất dịch vụ, quyền lợi của người dân có bị 'đánh cắp' ?

Báo điện tử Pháp luật Việt Nam có bài viết 'Hoài Đức (Hà Nội): Thu hàng trăm tỷ đồng của dân, sau gần 10 năm vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đất dịch vụ', cho thấy, quyền lợi của người dân đang bị 'thiệt đơn, thiệt kép' vì chưa có đất để ở, sản xuất kinh doanh, dẫn đến cuộc sống của người dân tại xã An Khánh vốn dĩ đã khó khăn, nay lại chồng chất khó khăn.

Từ 2007, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 1098 về việc ban hành Quy định giao đất có thu tiền sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tây. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được giao đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở phải: Bàn giao mặt bằng đúng thời hạn cho người dân, khi đã thực hiện việc nộp tiền sử dụng đất để làm cơ sở hạ tầng.

Hình ảnh người dân phản ánh với phóng viên

Sau một năm, UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 371 về việc ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng đất sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tây; sửa đổ, bổ sung một số điều của quy định theo Quyết định số 1098. Theo đó, chủ đầu tư phải có trách nhiệm ứng trước kinh phí xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ (gồm kinh phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng) và được hoàn trả 100% phần kinh phí đã ứng; nguồn kinh phí để hoàn trả chủ đầu tư lấy từ nguồn thu sử dụng đất của các đối tượng được giao đất dịch vụ và nguồn ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng đất dịch vụ 96.000 đồng/m2 theo dự án được duyệt.

Theo một số người dân cho biết, tại Văn bản số 371 của UBND tỉnh Hà Tây cũ chỉ đạo rất rõ ràng, cụ thể, nhưng không hiểu vì sao nhiều lần chúng tôi ý kiến với lãnh đạo xã An Khánh và lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức thực hiện theo đúng Quyết định hỗ trợ trên của Nhà nước để người dân bớt khổ, nhưng những vị cán bộ lãnh đạo huyện Hoài Đức vẫn chỉ để “ngoài tai”.

Cũng theo Quyết định 371, Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố đưa diện tích đất dịch vụ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo sự đóng góp giảm thiểu của các hộ gia đình, cá nhân được giao đất và hỗ trợ từ ngân sách khi phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình duyệt đầu tư hạ tầng khu đất dịch vụ…

Cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng đất sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ cho người dân là như vậy, tuy nhiên, trên thực tế thì người dân không những không được hưởng quyền lợi theo cơ chế Nhà nước hỗ trên, mà ngược lại người dân còn bị ‘thiệt đơn, thiệt kép’, bởi, sau gần 4 năm cơ quan có thẩm quyền ra văn bản cơ chế hỗ trợ trên nhưng vẫn không có một dự án đất dịch vụ nào được triển khai.

Ông Nguyễn Huy Hoán, Chủ tịch UBND xã An Khánh không trả lời được những thắc mắc của người dân về việc thu, chi các khoản trong quá trình xã làm chủ đầu tư.

Cho đến năm 2011, UBND huyện Hoài Đức còn có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đi ngược với Quyết định 371 về cơ chế hỗ trợ xây dựng hạ tầng đất dịch vụ. Theo đó, UBND huyện Hoài Đức đưa ra mức tạm thu 810.000 đồng/m2 của các hộ dân được hưởng đất dịch vụ.

Theo ông Phạm Gia Lộc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, UBND huyện Hoài Đức tự đưa ra mức tạm thu tiền 810.000 đồng/m2 của người dân mà không cần phải xin ý kiến của người dân hay cơ quan cấp trên!

Hầu hết người dân chỉ còn trông chờ duy nhất vào mảnh đất dịch vụ, để “kiếm kế sinh nhai” nên phải đi vay lãi nặng, thế chấp tài sản ngân hàng để đóng tiền sử dụng đất làm cơ sở hạ tầng sớm, thế nhưng, sau gần 10 năm cơ sở hạ tầng vẫn chưa được chủ đầu tư hoàn thiện, khiến cho cuộc sống của một số người dân rơi vào cảnh nợ nần, con cái phải đi thuê nhà, thất nghiệp.

Một số người dân phản ánh, toàn bộ đất nông nghiệp của người dân tại xã An Khánh bị thu hồi từ nhiều năm nay, nên con cháu và gia đình không có việc làm. Đến năm 2011 cán bộ UBND xã, huyện thông báo những hộ gia đình được hưởng chính sách giao đất dịch vụ, thì đóng tiền làm cơ sở hạ tầng càng sớm, sẽ được nhận đất dịch vụ càng nhanh, nên nhiều hộ gia đình đã phải đi vay lãi nặng để đóng tiền dịch vụ cho UBND xã, thế nhưng cho đến nay, sau gần 10 năm nộp tiền người dân vẫn chưa nhận được đất dịch vụ.

Trước “sức nóng” của người dân, dù một số khu đất dịch vụ vẫn chưa được xây dựng hạ tầng theo quy định, những UBND huyện Hoài Đức vẫn chỉ đạo UBND xã tổ chức bốc thăm để báo cáo thành tích với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, người dân cho biết.

Theo ông Tuấn Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, có tới khoảng trên 700 hộ dân còn bị thiệt thòi về chính sách giao đất dịch vụ cho cá nhân, gia đình tính bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhưng tối đa không quá 150 m2. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo UBND thành phố xem xét về việc này để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trần Sơn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/hoai-duc-ha-noi-cham-giao-dat-dich-vu-quyen-loi-cua-nguoi-dan-co-bi-danh-cap-d102027.html